Những năm gần đây, Yên Bái luôn nỗ lực cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây được coi là một trong những lý do để thu hút nhiều doanh nghiệp đến với địa phương.
>>Yên Bái khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp bền vững
Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ công bố ngày 25/5/2022, tỉnh Yên Bái xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2020. Đây là kết quả đáng ghi nhận về công tác CCHC của tỉnh Yên Bái trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, một điểm đáng ghi nhận trong công tác CCHC là tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử một cách bài bản, khoa học, đúng lộ trình. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các Chương trình hành động, kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại hóa hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đánh giá, mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 nhưng tỉnh Yên Bái đã kịp thời điều chỉnh trạng thái, phương pháp làm việc theo hướng chủ động, linh hoạt, đồng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, bài bản các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, tỉnh chủ động rà soát, ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp Yên Bái có thể trụ vững trong đại dịch. Trong đó, công tác CCHC trên các lĩnh vực được chú trọng và mang lại hiệu quả cao, ông nói.
Là một trong những địa phương của Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong cải CCHC, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho biết, xã đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ Bộ phận phục vụ hành chính công xã thực hiện nghiêm túc về thời gian, thái độ tiếp đón, giải quyết các TTHC cho nhân dân. Nếu có lý do đột xuất vắng mặt cần bố trí người trực thay, không để tình trạng công dân đến phải ra về. Tinh thần này cũng được áp dụng nghiêm túc với cả các đồng chí lãnh đạo xã.
Cùng với chỉ số PAR Index, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) để đo lường và so sánh cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố, Yên Bái đạt 42,354 điểm, xếp vị trí 29/63 tỉnh, thành, tiếp tục nằm trong nhóm Trung bình cao. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ hài lòng là 89,24%.
Bên cạnh đó, kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Yên Bái đạt 63,33 điểm, đứng ở vị trí 7/14 so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Có thể nói, trong thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thực tế, nhiều chỉ số thành phần PCI cần sự nỗ lực liên tục trong nhiều năm thì mới đạt được sự cải thiện, chuyển biến rõ nét nhất định, nhất là các chỉ số liên quan đến hạ tầng, nhân lực và các yếu tố môi trường, xã hội. Đây là những thách thức nhưng cũng là yêu cầu để Yên Bái tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Yên Bái đã khơi thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có thể bạn quan tâm