Những năm qua, việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách TTHC, giúp Yên Bái trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Năm 2020, trước thách thức do dịch COVID-19 việc thu hút đầu tư gặp khó khăn, Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái đã kịp thời tham mưu đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trong giai đoạn từ 2017-2019, Yên Bái có 139 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 28.937 tỷ đồng và 221,8 triệu USD. Riêng 9 tháng năm 2020 tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 60 dự án với tổng vốn đăng ký 4.435,8 tỷ đồng và 2,08 triệu USD…
Do ảnh hưởng đại dịch, tình hình thực hiện vốn đầu tư 9 tháng đầu năm 2020 của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chững lại, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ, một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng một phần trong dây chuyền sản xuất, kéo giãn tiến độ sản xuất. Một số nhà đầu tư gặp khó khăn trong điều hành hoạt động sản xuất, hoàn thiện các thủ tục sau cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện đầu tư dự án, đặc biệt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư gặp nhiều trở ngại…
Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2020 Sở quyết tâm phấn đấu tăng thứ hạng lên 2-3 bậc, nằm trong tốp dẫn đầu của các sở, ngành được đánh giá DDCI,
Trước nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, thu ngân sách còn ở mức thấp do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, Giám đốc Sở KH&ĐT Đoàn Hữu Phung cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025…)
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và đặc biệt là Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, bên cạnh việc thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở đã tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thực hiện cải cách TTHC, cơ chế một cửa nhằm làm giảm tối đa các thủ tục, rút ngắn thời gian trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp... đúng với tinh thần “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt khó khăn, bước qua đại dịch.
Bắt đầu từ năm 2016, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân" định kỳ theo tháng với mục đích gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp để xem xét giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến tất cả các lĩnh vực.
“Có thể đánh giá đây là chương trình được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hưởng ứng, đón nhận tích cực và đánh giá cao. Việc tổ chức thành công mô hình “Cà phê doanh nhân” thời gian qua đã rút ngắn khoảng cách, tạo sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh nói chung” - ông Phung cho hay.
Theo ghi nhận của DĐDN từ các doanh nghiệp trên địa bàn về mô hình “Cà phê doanh nhân” cho thấy, các nội dung kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp qua từng buổi gặp mặt đã được chính quyền tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các sở ngành, địa phương giải quyết, tháo gỡ và tìm cách xử lý hoặc hướng dẫn trực tiếp với sự đồng thuận, nhất trí của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo ông Phung, Sở còn hướng dẫn, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, đồng thời tham mưu, tổ chức chương trình “ngày thứ 7 cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư” để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong thủ tục xin cấp quyết định chủ trương đầu tư và quá trình triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.
Đặc biệt, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI năm 2020, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch tập trung vào 10 giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng đến một số giải pháp liên quan đến các chỉ số thành phần còn hạn chế, thấp điểm năm 2019 như: Tính minh bạch, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, tiếp tục khẳng định và tạo niềm tin cho doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để cải thiện trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Cùng với đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện công tác khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) từ năm 2016. Có thể nói, thông qua việc chấm điểm, đã tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, địa phương. Qua đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp. Kết quả những năm gần đây chất lượng điều hành các cấp từ tỉnh đến cơ sở được cải thiện, xếp hạng của các sở, ngành, địa phương qua đánh giá đều nằm ở nhóm tốt và khá, góp phần quan trọng trong việc nâng vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Yên Bái thời gian qua.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ. Tỉnh khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử.
Có thể bạn quan tâm