Trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại, kiến trúc nội thất không chỉ là không gian sống đẹp mà còn để con người “nhàn” hơn và có thời gian “yêu bản thân” hơn mỗi ngày.
KTS Lê Anh Hoài - Giám đốc CTCP Kiến trúc và Nội Thất OKKO chia sẻ, thiết kế kiến trúc để phục vụ con người, để cuộc sống có tổ chức hơn, con người có thể sống nhàn nhã hơn. Đặc biệt, trong một đô thị bận rộn như ngày nay, khi mọi người được “giải phóng” sẽ có rất nhiều thời gian để làm những việc thú vị.
Học “tây” để giữ “ta”
Tôi thấy rằng một ngôi nhà được thiết kế và xây dựng hoàn chỉnh sẽ là tổng hòa các sắp xếp về không gian mà ngôn ngữ tương tác cuối cùng đối với chủ nhân nhằm sự thoải mái. Mà ngôn ngữ thì nằm ở khả năng biểu đạt và tương tác đôi bên, nói nhiều mà người nghe không hiểu, không cảm nhận được thì sẽ là… bất đồng ngôn ngữ.
- Nhưng anh đã từng học tại nước ngoài và “ngôn ngữ” kiến trúc phương Tây theo tôi sẽ khác hẳn ngôn ngữ phương Đông, thưa anh?
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc ở Đại học Xây dựng, tôi có khoảng 2 năm tham gia thiết kế một số công trình dân dụng ở Hà Nội. Trong các công trình đó tôi luôn cố gắng tìm kiếm những món đồ đẹp nhất, hợp lý nhất và đưa tất cả vào công trình của mình. Nhưng càng về sau nhìn lại tôi càng thấy công trình đó chỗ nặng nề rối mắt, chỗ lại thưa thớt trống trải, không đạt được cả tính thẩm mỹ lẫn công năng.
Lúc đấy tôi nhận ra rằng cái mình đang làm chưa thực sự là thiết kế. Và việc cần thiết lúc bấy giờ là tôi phải làm tăng lượng kiến thức là trải nghiệm cuộc sống cho bản thân trước khi bắt tay vào thiết kế công trình. Tôi đã đi tìm kiếm cơ hội học hỏi ở nước ngoài.
Tôi mong tạo nên những công trình đạt chuẩn từ chất lượng đến thẩm mỹ tiếp cận được kiến trúc phương Tây và nâng tầm giá trị văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam…
Trong khoảng thời gian đấy, tôi được học chuyên sâu về rất nhiều phong cách thiết kế khác nhau như: minimalist, neo classic, retro vintage…
Cuối cùng, điều đọng lại trong tôi là: Phong cách. Vì chỉ khi có cùng một phong cách thì các chi tiết mới có tính tổ chức liên kết và đặc trưng.
Càng học và làm việc trong sự văn minh tính logic và hợp lý trong phong cách kiến trúc phương Tây tôi càng nhận thấy các công trình trước đây tôi thiết kế ở Việt Nam có quá nhiều lỗi. Điều đó cũng thôi thúc tôi quay về Việt Nam, thay không gian sống của người Việt, giúp các công trình nói riêng và kiến trúc Việt nói chung có tổ chức hơn, nhàn nhã hơn, chỉn chu hơn. Từ đó tôi mong tạo nên những công trình đạt chuẩn từ chất lượng đến thẩm mỹ tiếp cận được kiến trúc phương Tây và nâng tầm giá trị văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam…
- Sau thời gian không ngắn, điều gì khiến anh khó khăn nhất khi kết nối các nền văn hóa với nhau?
Những ngày đầu về nước mọi việc không hề đơn giản như tôi tưởng. Ở nước ngoài tôi có sẵn các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp vật liệu có thể hỗ trợ để tôi chỉ việc chuyên tâm vào công việc thiết kế. Nhưng ở Việt Nam thì mọi thứ không có sẵn như vậy, tôi phải tìm kiếm, kết hợp và thử nghiệm rất nhiều từ vật liệu, máy móc, con người để tìm ra những thứ tương ứng như ở nước ngoài. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là trình độ thi công của thợ.
Bản chất người thợ Việt Nam là những người thợ thủ công theo hình thức cha truyền con nối, tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào độ “quen tay, quen mắt”, họ không quen với việc làm theo thiết kế hay đọc bản vẽ kỹ thuật. Nên ngoài việc thiết kế tôi phải hướng dẫn họ những kỹ năng đọc bản vẽ thiết kế và vận hành máy sản xuất ra sao, lắp ráp các chi tiết như thế nào để họ làm việc một cách “công nghiệp” và mang đến những sản phẩm chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, khái niệm về ngôi nhà ở nước ngoài và Việt Nam cũng khác nhau. Với người phương Tây, họ coi nhà chỉ để ở, mỗi thời điểm, mỗi nơi họ đến họ lại cần một ngôi nhà khác nhau. Việc không quá tập trung vào một ngôi nhà khiến họ cởi mở trong việc tiếp nhận các ý tưởng khác nhau của kiến trúc sư tư vấn. Điều đó cũng khiến giới kiến trúc cũng như tôi diễn đạt và thực hiện được phép cộng của tính thẩm mỹ và công năng trong một công trình.
Trong khi đó, người Việt xem ngôi nhà là một nơi “an cư” để lập nghiệp. Bao mong muốn, nhu cầu của chủ nhân đều muốn đưa hết vào ngôi nhà của mình. Khi có quá nhiều nhu cầu thì những nhu cầu thiết yếu nhất bị mất đi, tính thẩm mỹ cũng bị giảm, tính công năng bị giải quyết nhiều quá. Đó là những khó khăn khi làm nhà cho người Việt.
- Vậy phong cách kiến trúc mà anh và OKKO đang theo đuổi lấy cảm hứng từ phương Đông hay phương Tây là chủ đạo?
Thực ra tôi và OKKO không theo một phong cách thiết kế cụ thể nào. Điều tôi mong muốn là tạo ra được những công trình có giá trị và phù hợp đối với từng khách hàng. Với một ngôi nhà, điều tôi quan tâm là khách hàng ở trong ngôi nhà đó như thế nào, cách họ vận hành ra sao, thói quen sinh hoạt như thế nào. Còn mỗi phong cách đều có nét đẹp riêng. Quan trọng là bạn phải am hiểu rõ về ngôn ngữ thiết kế của phong cách đó và biết cách vận dụng hợp lý cho từng không gian cụ thể.
- Thế nhưng cũng phải nói rằng, quan niệm sống, văn hóa của Việt Nam cũng có những đặc thù riêng, anh và OKKO đã làm thế nào để giữ được nét Việt Nam trong không gian chung cư - vốn là một sản phẩm đến từ "tây"?
Tôi luôn mong muốn mang đến những sản phẩm vừa nâng tầm chất lượng sống với người Việt Nam nhưng cũng phù hợp với người Việt Nam nhất. Cũng như bạn nói, chung cư vốn là một sản phẩm đến từ “tây”, với lối thiết kế hiện đại, tôi phải thiết kế làm sao để tối ưu về không gian, tinh tế về nhu cầu sử dụng. Và đối với mỗi công trình, những điều đặc biệt quan trọng đối với người Việt như phong thủy, bàn thờ gia tiên… cũng được OKKO tính toán ngay từ ban đầu.
Ngôn ngữ của sự duy mỹ
- Nhưng chắc hẳn trong quá trình làm việc, anh cũng gặp không ít khách hàng khó tính, anh đã làm thế nào để thuyết phục được họ?
Thực chất, bản thân tôi cũng là một người khó tính, mọi thứ theo tôi đều phải đến từ sự chân thành. Kiến trúc sư đôi lúc như một nhà tâm lý học, lắng nghe nhu cầu cũng như thuyết phục khách hàng của mình. Nhiều người khi họ thuê thiết kế, họ luôn nghĩ rằng tôi muốn thế này, tôi muốn thế kia nhưng thực sự những thứ đó không phải là thiết kế, mà bản chất của thiết kế đó là những điều đấy hoạt động như thế nào và sử dụng ra sao.
Do đó, người kiến trúc sư phải biết lắng nghe và xác định cho chủ nhân công trình những mục tiêu cơ bản nhất, từ đó giải thích để khách hàng hiểu về thiết kế cũng như công năng của từng sản phẩm. Việc thiết kế ra một ngôi nhà đẹp đã khó nhưng để cho khách hàng hiểu được và việc làm bạn với khách hàng, thuyết phục khách hàng còn khó hơn rất nhiều.
- Vậy theo anh khách hàng hay kiến trúc sư có vai trò lớn trong quyết định công trình?
Nhiều người khi muốn làm nhà nghĩ ngay đến việc phải thuê kiến trúc sư. Họ mặc định giao toàn bộ ngôi nhà cho kiến trúc sư và chất lượng công trình như thế nào đều phụ thuộc vào kiến trúc sư. Nhưng thực sự những người chủ nhà mới là người đóng vai trò quan trọng nhất, vì bản chất kiến trúc sư cũng chỉ là đơn vị tư vấn, hỗ trợ.
Với tôi, khi khách hàng hiểu, đánh giá được chất lượng thì kiến trúc sư mới có thể phát huy hoàn toàn khả năng của mình. Còn nếu như một chủ nhà không hiểu được hết các giá trị thì kể cả có gặp được những kiến trúc sư giỏi, họ cũng không thể phát huy được hết khả năng để làm nên một công trình hoàn hảo cho khách hàng.
- Anh có thể bật mí một vài định hướng của OKKO trong thời gian tới?
Thiết kế kiến trúc và nội thất luôn bao gồm yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật và bản sắc văn hóa vùng miền. Hiện tại trình độ kỹ thuật của chúng ta còn thua kém nhiều nước. Tôi và các đối tác đang cố gắng hàng giờ để khoảng cách đó được thu hẹp lại nhanh nhất.
Còn về bản sắc chúng ta có một bề dày văn hóa lịch sử lâu năm khó ai sánh kịp. Đây sẽ là điểm tựa để chúng tôi tự tin mình sẽ tạo ra các công trình có kỹ thuật đạt tiêu chuẩn của thế giới nhưng lại mang bản sắc riêng của Việt Nam. Tôi không có tham vọng mở rộng thị trường ra nước ngoài nhưng tôi có tham vọng đưa các công trình kiến trúc và nội thất ở Việt Nam từng bước vươn tầm thế giới.
- Vâng! Xin cảm ơn anh.
Tương lai xanh của ngành kiến trúc
Với sự thay đổi của môi trường, khí hậu, những thiết kế quá xa với thiên nhiên, quá nhân tạo sẽ không còn phù hợp. Vì thế, xu hướng sắp tới của ngành kiến trúc sẽ là những công trình gần gũi với thiên nhiên hơn và giảm thiểu đi những năng lượng nhân tạo, giảm thiểu chất thải ra môi trường, hướng đến sự tái tạo năng lượng bổ sung cho con người.
Sau một thời gian chạy đua với các phong cách thiết kế, với các cách thức trang trí phô trương hào nhoáng, mọi người đã nhận ra rằng thiên nhiên mới là cái phù hợp nhất với con người. Chỉ khi ở gần thiên nhiên con người ta mới thấy thoải mãi, mới thấy lòng được an nhiên. Chính vì vậy việc áp dụng kiến trúc xanh, sinh thái là một xu hướng chung và thể hiện sự văn minh của chúng ta.