Dù cổ phiếu SLS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (Sudico, HOSE: SJS) đang tăng, nhưng Yuanta Việt Nam khuyến nghị không nên mua mới cổ phiếu này.
Liên tục thất hứa chi trả cổ tức
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2020 của SJS, doanh thu thuần đạt 40,6 tỷ đồng, giảm 48,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức lớn của SJS chính là dòng tiền. Việc đầu tư vào các dự án diễn ra khá chậm đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và thu hồi dòng tiền để tái đầu tư. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn cuối quý 1 hơn 1.994 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 1/2020, công ty có 6.793 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 2,1% so thời điểm đầu năm. Trong khi đó, phần lớn tổng tài sản của SJS nằm ở hàng tồn kho với 3.639 tỷ đồng, tăng khoảng 71 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tới 53,5% tổng tài sản của SJS. Cùng với đó, lượng tiền mặt của công ty giảm gần 18 tỷ đồng so với đầu năm...
Theo giải trình của SJS, trong quý đầu năm nay, công ty đã triển khai kinh doanh một số diện tích mặt bằng tầng 1 tại chung cư CT4, CT5 Khu ĐTM Mỹ Đình - Mễ Trì. Tuy nhiên, trong kì công ty cũng phát sinh khoản lỗ từ các công ty con nên kết quả kinh doanh quý I/2020 sụt giảm so với cùng kỳ 2019.
SJS luôn là nỗi ám ảnh của các cổ đông và nhà đầu tư khi đã 5 lần "xin khất" trả cổ tức do nguồn tiền chưa có. Theo văn bản giải trình mới nhất khi "khất" trả cổ tức, SJS cho biết nguồn vốn chi trả cổ tức năm 2016 và năm 2017 cho các cổ đông chủ yếu từ nguồn thu tại dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và các dự án khác. Công nợ hiện nay với khách hàng tại dự án Nam An Khánh và các dự án khác là 285,5 tỷ đồng. SJS đã làm việc cụ thể với từng đối tác, khách hàng và đã đề ra các biện pháp quyết liệt trong công tác thu vốn tại các dự án.
Chờ đợi thoái vốn
Trong cơ cấu cổ đông của SJS, Tổng công ty Sông Ðà đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 36,35% vốn điều lệ. Cổ đông lớn thứ hai ông Ðỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SJS, với tỷ lệ nắm giữ 7,81% vốn.
Theo phương án tái cấu trúc Tổng công ty Sông Ðà, tới đây, doanh nghiệp này sẽ thực hiện thoái vốn tại SJS.
Sau câu chuyện thoái vốn thành công của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vào cuối năm 2018 với mức giá trúng vượt mong đợi, thị trường kỳ vọng một kịch bản tương tự diễn ra tại SJS.
Bởi Vinaconex và SJS có nhiều điểm tương đồng, như cùng có quỹ đất lớn và hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.
Dẫu vậy, đến nay, kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Sông Ðà tại SJS vẫn chưa có thông tin chi tiết.
Không nên mua mới
Cổ phiếu SJS trong thời gian qua đang đạt đỉnh cao nhất trong 52 tuần vừa qua ở mức 25.700 đồng/cp. Trên thị trường, kể từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu SJS đã có nhiều biến động. Cụ thể, sau khi thủng mức giá 16.000 đồng/cp vào đầu tháng 2, SJS đã hồi phục tích cực lên mức giá 25.600 đồng/cp (2/6).
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, mức Stock Rating của SJS ở mức 80 điểm cho nên mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này được đưa lên mức tích cực. Tuy nhiên, điểm cơ bản của cổ phiếu này chỉ ở mức 73 điểm. Đồ thị giá của SJS đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức khối lượng trung bình 20 phiên.
Trong khi đó, xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tăng và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, theo Yuanta Việt Nam, nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ và không mua mới cổ phiếu SJS trong thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm