10-20/10: Hội chợ Sâm Lai Châu

NGUYỄN HÀ 16/09/2022 00:03

Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Khát vọng vươn lên” sẽ diễn ra trong 4 ngày, trong khoảng thời gian từ ngày 10-20/10 tại Trung tâm thương mại tỉnh Lai Châu.

>>>Huyện Tam Đường (Lai Châu): Gia tăng giá trị trong nông nghiệp nhờ liên kết với doanh nghiệp

Tiềm năng lớn để phát triển

Tỉnh Lai Châu có địa hình núi cao trên 1.000m phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm, dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như Sâm Lai Châu, Thảo quả... Trong đó, Sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 m – 2.200 m so với mặt nước biển, cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần. Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ Sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỉ lệ lớn, đặc trưng có trong Sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg. Đây là cơ sở để phát triển cây Sâm Lai Châu hướng đến chế biến thành hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Trần Tiến Dũng, là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh có rất  nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển các loài cây dược liệu quý hiếm, trong đó có Sâm Lai Châu. Lai Châu được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thuộc tốp đầu cả nước. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... và nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù khác nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu.

>>>Lai Châu: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp

>>>Lai Châu: Liên kết doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu dứa

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kỳ vọng với những tiềm năng sẵn có và những cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án Sâm trên địa bàn tỉnh góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả để phát triển dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao. 

Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ phải hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp mạnh; ngoài bỏ vốn, bỏ giống, bỏ công sức thì các doanh nghiệp phải coi trọng yếu tố khoa học, công nghệ; chú trọng xây dựng vườn bảo tồn, vườn giống gốc và cơ sở sản xuất giống; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận cho Sâm Lai Châu để quảng bá, nâng cao giá trị cho các sản phẩm của sâm Lai Châu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm gian trưng bày Sâm Lai Châu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm gian trưng bày Sâm Lai Châu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021.

Được biết, Sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có khoảng 3,68 ha diện tích trồng Sâm của doanh nghiệp, người dân. 

Xúc tiến đầu tư, thương mại

Với mục đích giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến phát triển Sâm Lai Châu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây Sâm và các sản phẩm từ Sâm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, công bố, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ và giá trị của cây Sâm Lai Châu; công bố bản đồ quy hoạch, phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu… tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 trung tuần tháng 10.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đi thăm và khảo sát vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Trần Tiến Dũng đi thăm và khảo sát vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè.

Theo đó, Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề  “Khát vọng vươn lên” sẽ diễn ra trong 4 ngày, trong khoảng thời gian từ ngày 10/10 đến ngày 20/10/2022 tại Trung tâm thương mại tỉnh Lai Châu. Sự kiện sẽ diễn ra các nội dung quan trọng như: Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng Sâm Lai Châu; Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu; các sự kiện bên lề; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tổ chức Giải chạy Marathon Sâm Lai Châu lần thứ nhất. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Hà Trọng Hải thông tin, đây là sự kiện lớn, có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương. Để đảm bảo sự kiện diễn ra tốt đẹp, thành công thì việc theo dõi phân công từng nội dung phải giao cho từng đơn vị chuyên trách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc sự kiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra lại diện tích mặt bằng nơi tổ chức sự kiện, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí các hoạt động, phương án phòng chống cháy nổ, khu ẩm thực, bãi trông giữ xe, bố trí các hoạt động bên lề... Đối với các sản phẩm trưng bày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yeu cầu cơ quan chuyên môn phải thẩm tra, thẩm định để đảm bảo cả về hình thức, chất lượng. Các đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện tốt việc tái hiện không gian văn hóa, phải lột tả được nét đặc trưng nơi cộng đồng dân cư đang sinh sống. Hiệp hội Sâm Lai Châu kết nối với Hiệp hội Sâm các tỉnh để có những gian hàng trưng bày phong phú; quan tâm thực hiện xã hội hóa; kết nối với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc để công bố chỉ số Sâm Lai Châu.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam” tổ chức khóa tập huấn và tặng quà cho trẻ em khó khăn tại Lai Châu

    Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam” tổ chức khóa tập huấn và tặng quà cho trẻ em khó khăn tại Lai Châu

    08:00, 10/09/2022

  • Khai mạc Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu

    Khai mạc Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu

    00:27, 29/08/2022

  • Lai Châu: Kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, hấp dẫn

    Lai Châu: Kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, hấp dẫn

    00:52, 01/06/2022

  • PCI Lai Châu: Doanh nghiệp đánh giá cao các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

    PCI Lai Châu: Doanh nghiệp đánh giá cao các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

    12:19, 27/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
10-20/10: Hội chợ Sâm Lai Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO