NHNN thông qua eKYC, nữ Thống đốc đầu tiên của NHNN, giá vàng tăng kỷ lục, những chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó COVID-19 là một trong những dấu ấn tiêu biểu của năm 2020.
Trong năm 2020 (tính đến ngày 30/11/2020), trước bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, như miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19 gây ra....
Đặc biệt, một loạt các loại phí, lệ phí đã được Bộ Tài chính trình cắt giảm nhằm giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...
Sau khi Quốc hội phê chuẩn, bà Nguyễn Thị Hồng đã trở thành nữ Thống đốc đầu tiên của NHNN Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/03/1968, có trình độ chuyên môn thạc sĩ kinh tế, lý luận chính trị cao cấp. Đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng đã có gần 30 năm công tác tại NHNN.
Với trình độ chuyên môn sâu, cùng kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, ở cương vị mới, bà Nguyễn Thị Hồng được kỳ vọng sẽ điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Trong năm 2020, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID- 19, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Từ đầu năm 2020, trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế, NHNN đã có 3 đợt cắt giảm lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm tổng cộng 2%/năm, lãi suất OMO giảm 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 1%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm. NHNN Việt Nam cũng là một trong các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực.
Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2020 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270 nghìn khách hàng với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng cũng cho vay mới với lãi suất ưu đãi, rẻ hơn từ 0,5 – 2,5%/năm so với lãi suất trước khi có dịch bệnh xảy ra, với tổng dư nợ gần 2,3 triệu tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội mặc dù không thuộc đối tượng cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhưng cũng đã gia hạn nợ cho khách hàng với gần 4.200 tỷ đồng và cho vay mới hơn 72 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
NHNN cho biết, dự trữ ngoại hối đã tăng lên con số kỷ lục là 93 tỷ USD tính tới tháng 10/2020, từ mức 84 tỷ USD hồi tháng 4/2020. Có khả năng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Theo nhiều chuyên gia, có nhiều yếu tố giúp dự trữ ngoại hối Việt Nam liên tục tăng cao. Trong đó, xuất siêu cao kỷ lục cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Bên cạnh đó, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam vẫn rất khả quan…
Dự trữ ngoại hối cao giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ NHNN ổn định tỷ giá.
Theo Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn của thị trường chứng khoán (TTCK) đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tính đến ngày 24/12/2020, VN-Index đạt 1.067,52 điểm, tăng 11,1% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 14%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm 2020 đến ngày 17/12 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019.
Hiện nay, thị trường cổ phiếu có 750 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 905 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.479 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 từ đầu năm đến 17/12 đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân giao dịch năm 2019.
Tiên phong cho làn sóng các ngân hàng lên sàn chứng khoán trong năm 2020 không thể không kể đến Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) đã đưa 977 triệu cổ phiếu từ UPCoM lên HoSE vào tháng 10/2020. Ngay sau đó là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng chuyển niêm yết từ UpCoM lên HoSE. Đến tháng 12, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã chuyển từ sàn HNX sang HoSE.
Bên cạnh đó, còn có một số ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, như Nam A Bank, Vietcapital Bank, Saigonbank, PGBank và ABBank.
Tháng 12/2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, có hiệu lực từ 5/3/2021. Trong đó bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC).
Việc NHNN thông qua eKYC được đánh giá mở ra cơ hội cung cấp dịch vụ số, khai thác tệp khách hàng mới cho ngân hàng.
Thống kê sơ bộ cho thấy, đến thời hiện nay đang có khoảng 10 ngân hàng đang triển khai thử nghiệm eKYC trong giao dịch ngân hàng và tại một số ngân hàng, tỷ lệ giao dịch online tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. Có 42% tổ chức đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Trên thực tế, trong số các ngân hàng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 88% lựa chọn triển khai số hóa dần các kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ. 19% có kế hoạch thiết lập thương hiệu mới và chỉ 6% tổ chức chỉ tiến hành số hóa kênh giao tiếp khách hàng. Nhiều dịch vụ ngân hàng được số hóa 100% như ví điện tử, thẻ ngân hàng, cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, nhận tiền gửi.
Đặc biệt, nhiều ngân hàng thực hiện hơn 90% nghiệp vụ trên môi trường mạng, như MB, HDBank, LienVietPostBank, VIB, TPBank, Nam A Bank, Viet Capital Bank, SeABank, BIDV, Vietcombank…
Vào ngày 6/8, giá vàng đã lập kỷ lục mọi thời đại 2.069 USD/oz. Giá vàng khởi động năm 2020 ở mức 1.528 USD/oz, và sau đó đã được đẩy lên cao bởi nỗi sợ hãi mà COVID-19 phủ lên thị trường tài chính toàn cầu. Dù chững lại gần đây, giá vàng hiện vẫn tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm nay. Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng đã thiết lập kỷ lục 62 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, trước đây khi giá vàng tăng đột biến, người dân đổ xô đi tích trữ vàng, nhưng năm nay người dân hầu hết chủ động đi bán thay vì mua vào. Bởi rất nhiều người đã nắm giữ vàng từ thời điểm giá vàng ở mức 40 triệu đồng/lượng, nên khi giá vàng tăng, đây là cơ hội để họ bán ra.
Chính điều này đã khiến các công ty vàng lâm vào tình trạng không có tiền mặt trả cho khách hàng, nhiều người đến bán phải cầm giấy xác nhận chờ từ 3-4 ngày mới được trả.
Có thể bạn quan tâm
Chân dung nữ Thống đốc NHNN đầu tiên ở Việt Nam
11:00, 12/11/2020
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Áp lực của tân Thống đốc NHNN
05:06, 14/11/2020
[eMagazine] Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
14:50, 23/04/2020
Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
11:00, 23/04/2020
Chứng khoán tuần cuối năm 2020 sẽ thế nào?
04:00, 28/12/2020
Thị trường chứng khoán năm 2021 kỳ vọng những gì?
07:55, 27/12/2020