Trong 15 đời Thống đốc NHNN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng là nữ Thống đốc đầu tiên và cũng là người đầu tiên được bổ nhiệm bắt đầu một nhiệm kỳ với tác động COVID-19 chưa từng có.
Bà Nguyễn Thị Hồng đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Thống đốc NHNN Việt Nam từ tháng 11/2020. Xét về niên khóa tài chính quốc gia và nền kinh tế, Bà chỉ còn khoảng 1,5 tháng bắt tay vào công việc ở vị trí mới để thực hiện các chỉ tiêu đã được giao từ đầu năm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia.
Theo đó, năm 2020, ngành ngân hàng định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, nhưng đã được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Một thực tế chắc chắn đã và đang diễn ra là cả 2 chỉ tiêu trên đều không thể đạt. “Dư địa” để Tân Thống đốc khép lại kết quả năm, chính là quyền điều chỉnh phù hợp với diễn biến. Gần 11 tháng qua, ngành ngân hàng cũng đã đón nhiều đợt điều chỉnh chính sách để phù hợp với diễn biến và tác động của COVID-19, một yếu tố chưa từng có trước đây và đã tác động sâu sắc lên mọi nền kinh tế, mọi thị trường tài chính ngân hàng – không loại trừ Việt Nam, dù Việt Nam là một trong những quốc gia ứng phó tốt nhất với đại dịch.
Có chuyên gia cho rằng với tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2020 ở mức 6,09% - và theo quy luật chu kỳ cuối năm tín dụng thường tăng gấp đôi so với quý trước - khả năng ngành ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng ở 10-11%. Như vậy đã là một thành công.
Một thách thức, áp lực lớn hơn đối với nữ Thống đốc trên cương vị mới, nhiệm kỳ mới là các vấn đề về hấp thụ vốn của nền kinh tế - liên quan đến tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh “tiền rẻ nhưng ít ai vay”; đặc biệt là mục tiêu vừa hỗ trợ ổn định lạm phát, nhưng lại đồng thời phải hỗ trợ tăng trưởng GDP của nền kinh tế, năm nay là 4% và năm tới là 6%.
So với chính Việt Nam các năm trước, tăng trưởng GDP 4% hay 6% đều là mức thấp. Song so với toàn cảnh kinh tế thế giới đang lâm vào suy thoái vì đại dịch COVID-19, việc phục hồi và "vá lại" các mắt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cần thời gian cũng như phụ thuộc vào thời gian xuất hiện hiệu lực của vaccine COVID-19, mục tiêu kép với kiểm soát lạm dưới 4% và tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 4% của năm nay, tăng trưởng GDP 6% năm tới của Việt Nam, sẽ là đột phá táo bạo. Chính sách tiền tệ hỗ trợ cho mục tiêu này không chỉ cần sự linh hoạt, mà còn cần cân đối với các biến số vĩ mô khác bao gồm diễn biến của lạm phát, tỷ giá (liên quan đến áp lực nợ công và dư địa tài khóa đang dần hẹp)… Cùng một khía cạnh khác, được dự báo sẽ là vấn đề nan giải của ngành ngân hàng: Nợ xấu.
Hiện nay, ngành ngân hàng đang có chính sách khoanh nợ, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay. Ngoài ra, ngành ngân hàng còn áp dụng các biện pháp “đặc trưng” của thời kỳ không bình thường như phương án tăng vốn cho "big 4" nhà băng dựa vào ngân sách, cũng đã được đặt ra. Điều đó đặt kỳ vọng các big 4 sẽ tiếp tục dẫn đầu chính sách hỗ trợ nền kinh tế với tín dụng giá rẻ và tài trợ cho các dự án trọng điểm, đầu tư. Cùng với đó, lãi suất cho vay của ngành ngân hàng đã về mức thấp kỷ lục và nhiều khoản mục tăng trưởng tín dụng của các tổ chức có phần đến từ giấy tờ có giá, từ đầu tư, tài trợ trái phiếu hàm chứa rủi ro… Nhìn chung, “điểm rơi” của các vấn đề này và khu trú trong câu chuyện “nợ xấu” được các chuyên gia dự báo sẽ “căng” trở lại vào 2021.
Theo một chuyên gia, nợ xấu, cùng với M&A ngành ngân hàng, trong đó có trường hợp 3 ngân hàng 0 đồng, sẽ là “nhiệm vụ” cam go thử thách bản lĩnh của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thời gian tới.
Một thách thức khác cũng sẽ có “điểm rơi” ngay thời kỳ đầu nhiệm kỳ của tân Thống đốc mà Bà Nguyễn Thị Hồng sẽ phải có quyết sách và định hướng xử lý, là câu chuyện hoàn thiện dứt điểm khung pháp lý dành cho các loại hình tài chính công nghệ đang bùng nổ ở Việt Nam. Cùng với đó là sự phối hợp cùng các cơ quan Bộ ngành, chẳng hạn như với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng và đưa vào vận hành Mobile Money, tiến đến là quản lý, phát triển các loại hình khác như tiền điện tử, thanh toán số… Xu thế của toàn cầu dưới những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế mọi quốc gia vì COVID-19, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hồng trong thời kỳ đương nhiệm vai trò Phó Thống NHNN Việt Nam, với sự phát triển của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt; cùng sự phát triển của tiền ảo/tiền kỹ thuật số, đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới cho nền kinh tế, cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý và thanh tra, giám sát hệ thống tài chính. Nữ Thống đốc đầu tiên của ngành ngân hàng Việt Nam với bản lĩnh, sự uyển chuyển, mềm mại nhưng quyền biến cùng kinh nghiệm lâu năm, sát sao với mọi lĩnh vực chuyên môn, đã, đang được kỳ vọng nắm giữ những “chìa khóa” hóa giải những thách thức nói trên.
Có thể bạn quan tâm
Chân dung nữ Thống đốc NHNN đầu tiên ở Việt Nam
11:00, 12/11/2020
Trình Quốc hội nhân sự Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng KH-CN, Thống đốc NHNN
16:28, 11/11/2020
Phó Thống đốc NHNN lý giải vì sao không hạ chuẩn cho vay
23:04, 02/06/2020
Phó Thống đốc NHNN chỉ "tác động kép" của hạ chuẩn tín dụng
20:36, 02/06/2020