Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng vừa cho biết đã gửi đến Thành ủy Đà Nẵng 14 kiến nghị, đề xuất nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn đề nghị VCCI Đà Nẵng góp ý kiến nhằm cải thiện môi trường kinh doanh phục vụ cho diễn đàn gặp mặt doanh nghiệp sắp được Thành phố tổ chức.
Theo đó, 14 đề xuất- kiến nghị của VCCI Đà Nẵng được tổng hợp và rút ra qua lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, qua quá trình quan sát của thành phố dựa vào các chỉ số như PCI, qua các đánh giá tích cực, hạn chế và tổng hợp ý kiến tham mưu, tư vấn về những vấn đề, hoạt động thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp.
Các kiến nghị của VCCI Đà Nẵng bao gồm:
Một là, Thành phố cần rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để định vị, tạo động lực, không gian phát triển cho trước mắt và kiến tạo tương lai phát triển của thành phố Đà Nẵng. Theo VCCI Đà Nẵng, trước đây thành phố đã thực hiện khá tốt công tác quy hoạch, đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân và bối cảnh tình hình mới, công tác quy hoạch đã bộc lộ những hạn chế.
Hai là, đi đôi với công tác rà soát, hoàn thiện quy hoạch, công khai minh bạch quy hoạch là việc Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách, lập các dự án kêu gọi đầu tư theo các phương thức: PPP (hợp tác công- tư), BOT, BT, xã hội hóa đầu tư... nhằm huy động vốn đầu tư, nguồn lực cho việc hiện thực hóa quy hoạch.
Ba là, Thành phố cần rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi đôi với việc ban hành các chính sách hỗ trợ mới phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Bốn là, Thành phố cần có chính sách ổn định và tiến tới giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào để tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng và lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Đà Nẵng so với các địa phương khác.
Năm là, Thành phố cần có chiến lược tạo nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp.
Sáu là, Thành phố nên hợp nhất các cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp do khu vực công thực hiện.
Bảy là, Thành phố nên có đề án hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể lên loại hình doanh nghiệp.
Tám là, Thành phố nên có chương trình chung về xúc tiến thương mại đầu tư với tỉnh Quảng Nam.
Chín là, kiện toàn hệ thống hiệp hội doanh nghiệp của Thành phố.
Mười là, rà soát lại quỹ đất công, tài sản công và xây dựng kế hoạch sử dụng đất công, tài sản công vừa giúp giữ, giảm thất thoát đất công, tài sản công, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất công, tài sản công của Thành phố.
Mười một là, đề xuất Trung ương cho cơ chế để Đà Nẵng thành lập trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm của khu vực để phục vụ cho hoạt động du lịch, thương mại cho thành phố Đà Nẵng nói riêng, khu vực Miền Trung nói chung.
Mười hai là, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ đặt mục tiêu tốt nhất Việt Nam mà cần sớm xác lập môi trường kinh doanh, đầu tư cạnh tranh hơn, đạt chuẩn mực các nước có môi trường kinh doanh cao trong khu vực ASEAN, nhằm tăng sức hấp dẫn, sức hút đầu tư của Đà Nẵng không chỉ so sánh với các tỉnh, thành của Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Mười ba là, định hướng phát triển khu vực huyện Hòa Vang là nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Mười bốn là, Thành phố nên tổng điều tra doanh nghiệp nhằm nắm rõ hiện trạng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng để có cơ sở trong ban hành các chính sách phát triển doanh nghiệp phù hợp.
Trao đổi với DĐDN, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết Thành ủy đã nhận được các kiến nghị, đơn vị đang tập hợp các tài liệu liên quan để thành phố nghiên cứu. Ông Triết cho biết một phần các nội dung nghiên cứu liên quan các đề xuất của VCCI Đà Nẵng sẽ được Thành phố báo cáo tại Diễn đàn, tọa đàm mùa xuân – nơi chính quyền gặp gỡ doanh nghiệp trong tháng 3. Ngoài ra, Thành phố sẽ cùng các cơ quan liên quan cũng đang nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị và sẽ có trao đổi và thảo luận thêm với VCCI về các vấn đề có liên quan.