Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU.
>>Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU
Trao đổi với DĐDN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho rằng, để gỡ “thẻ vàng” yêu cầu đầu tiên là các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản và thực thi pháp luật một cách đồng bộ, hiệu quả.
- Tròn 5 năm Việt Nam thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của EC, vậy đâu là điểm nghẽn để đổi màu từ “thẻ vàng” sang “xanh”, thưa ông?
Đợt thanh tra lần thứ 3 vừa qua, đoàn Thanh tra của EC ghi nhận tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019. Theo đó, cải thiện đáng kể nhất là ở cấp trung ương trong việc hoàn thiện khung pháp lý, công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra của EC chưa hài lòng về việc thực thi các quy định của tuyến cơ sở vẫn còn yếu. Đó là, đội tàu của Việt Nam vẫn lớn so với lượng nguồn lợi, việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến. Công tác điều tra, xử lý vi phạm tại địa phương còn rất hạn chế...
- Thực tế kéo dài “thẻ vàng” IUU khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản bị suy giảm năng lực cạnh tranh nghiêm trọng, thưa ông?
Tác động này thực tế đã thấy rõ trong bức tranh xuất khẩu thuỷ sản vào EU 5 năm qua. Thủy hải sản xuất khẩu sang EU bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh.
So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, xuất khẩu thuỷ sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019.
Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhậu khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh hưởng của thẻ vàng IUU càng rõ nét trong năm 2022. Trong 9 tháng năm 2022, sản phẩm hải sản khai thác được xuất khẩu sang EU chỉ chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu. Thấp nhất trong nhóm thị trường chính nhập khẩu hải sản khai thác của Việt Nam.
>>Thẻ vàng thuỷ sản chưa “về đích” và sự “mờ nhạt” của thị trường EU
- Để triển khai “Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày gỡ “thẻ vàng” IUU” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thủy sản sẽ phải đưa ra những giải pháp đồng bộ, thưa ông?
Dự thảo “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” đã được chúng tôi tham mưu xây dựng với những giải pháp cụ thể: Thứ nhất, thông tin truyền thông về nỗ lực chống khai thác IUU. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định về chống khai thác IUU.
Thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ ba, tiến hành rà soát số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác. Kiểm soát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá…
Thứ tư, thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Kết nối phần mềm hệ thống kiểm soát thủy sản khai thác nhập khẩu với Cổng thông tin một cửa quốc gia; kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Thứ năm, điều tra và xử lý 100% tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…
Thứ sáu, đàm phán, ký kết đường dây nóng giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.
- Thưa ông, cùng với quản lý khai thác, chúng ta cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng bền vững trong nước?
Chúng tôi đánh giá cần triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bảo tổn, phục hồi các hệ sinh thái biển, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác thủy sản tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển. Thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản.
Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Xây dựng cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cá.
Đặc biệt, xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.
Đàm phán phân định khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lần, chưa phân định giữa Việt Nam và Inđônêxia, Việt Nam và Malaixia; trước mắt đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại này. Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU…
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU
00:50, 08/12/2022
Xuất khẩu thủy sản: Số hóa để khắc phục “thẻ vàng” IUU
03:10, 15/11/2022
Thẻ vàng thuỷ sản chưa “về đích” và sự “mờ nhạt” của thị trường EU
14:55, 02/11/2022
“Lợi thế vàng” cho du lịch Quảng Nam hút khách quốc tế
11:00, 31/10/2022