Theo các chuyên gia, chứng khoán và bất động sản với phân khúc nghỉ dưỡng là điểm đến đầu tư có thể vẫn khó khăn ngắn hạn, nhưng trung và dài hạn đầy tích cực.
Đối với chứng khoán, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Phân tích Đầu tư FIDT nhận định, chứng khoán năm 2025 có thể nói là trong ngắn hạn vẫn còn có những "khúc cua", nhưng triển vọng sẽ tốt dần lên từ giữa năm 2025.
Năm 2024 bước sang 2025, thị trường chứng khoán rơi vào thời điểm chuyển giao và kỳ vọng. Chờ đợi các chính sách rõ ràng hơn khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, chờ đợi chính sách lãi suất của NHNN (có tăng lãi suất hay không), chờ đợi nghỉ Tết cuối năm... Những yếu tố chuyển giao và cả tính mùa vụ đang tác động đến thị trường, ông Huy lý giải về trạng thái sideway (đi ngang) và đi xuống cả điểm số lẫn thanh khoản của thị trường hiện tại.
Tuy nhiên thị trường hiện tại và triển vọng các năm sau vẫn hấp dẫn với sự tích lũy đã chặt chẽ, định giá thấp. Không quá trễ, chậm nhất 2026 chứng khoán sẽ bước vào chu kỳ mới, tăng trưởng mới bền vững. Lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2025 dự báo tăng trưởng đạt 16% so với hơn 13% của 2024. Các ngành chủ lực như ngân hàng, bất động sản và công nghệ thông tin sẽ là động lực chính. Với P/E hiện tại ở mức 13 lần, TTCK Việt Nam đang được định giá hợp lý, mở ra không gian tăng trưởng lớn.
"Nếu quên đi nỗi đau của thị trường chứng khoán hiện tại, khi nhà đầu tư trong 6 tháng cuối năm nếu không thua lỗ đã có thể xem là... ổn", thì chúng ta sẽ nhìn thấy cơ hội rất lớn, rõ ràng hơn", ông Bùi Văn Huy nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh không khẳng định thị trường còn rơi nữa hay không bởi cổ phiếu phụ thuộc vào dòng tiền, nhà đầu tư vẫn chờ đợi thì dòng tiền sẽ không vào thị trường và VN-Index có thể còn rơi tiếp. "Nhưng càng chiết khấu thì cơ hội càng lớn hơn và đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp làm nghề trên thị trường chứng khoán, tôi đưa ra dự báo về điểm số VN-Index, đến cuối 2025 tự tin có thể đạt mức 1.300 và thậm chí cao hơn", chuyên gia nhấn mạnh.
Một "nỗi đau" khác cũng được "người trong cuộc" - chủ đầu tư về phát triển dự án, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR), chia sẻ tại tọa đàm về Quản lý gia sản năm 2025 do FIDT vừa tổ chức tại TP HCM, đó là việc lựa chọn đầu tư vào lớp tài sản bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Vũ, thị trường bất động sản đến hiện tại đều được các nhận định đã đến đáy, nhà đầu tư có thể bắt đáy đón chu kì phục hồi. "Tuy nhiên quan điểm của tôi còn khó khăn, riêng bất động sản nghỉ dưỡng do trải qua thời gian đau khổ vì gần như mất niềm tin với cơ hội phân khúc; ngoài ra động lực tăng trưởng du lịch chỉ mới phục hồi gần, bên cạnh đó là sự dịch chuyển nguồn vốn vào phân khúc vẫn còn hoài nghi.
Đâu đó lăn tăn về cơ hội bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng nếu quên nỗi đau, vẫn nhìn thấy cơ hội dài hạn. Cơ hội bắt đầu từ sự thay đổi chiến lược của Đảng, Chính phủ", ông Vũ nói.
Theo đó, Tổng Giám đốc Phát Đạt nhìn nhận, nếu chúng ta hình dung giai đoạn vừa qua chúng ta thường kêu ca phàn nàn các dự án bất động sản đặc biệt tại TP HCM không có nguồn cung, do tắc về pháp lý, trong đó do hành lang pháp lý nhiều điểm chưa được rõ, hiểu nhiều cách khách nhau nhưng cũng đã gỡ được phần nào, (mà thực tế là có nhiều chính sách đang tương đối ổn định lại ra quy định làm mất ổn định giờ lại quay lại ổn định); ngoài ra là do nhiều bên sợ trách nhiệm không chịu làm... thì nay Chính phủ đã có giải pháp quan trọng tái cơ cấu lại bộ máy hết sức căn bản, giải pháp tiếp theo là tăng trưởng kinh tế. Đây là 2 điểm tạo nên động lực gốc của mọi vấn đề. Nếu nâng tổng trạng của nền kinh tế, nhiều người có nhiều tiền hơn để mua tài sản thì đó là động lực chính, căn nguyên cho bệ phóng thị trường.
"Bôn ba không qua thời vận, thời đến, vận chuyển, có nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế thì có cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng", ông Vũ khẳng định.
Ngoài ra một điểm để tin bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng, do giá trị không cao với phân khúc condotel nên nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư để bán kiếm lời hoặc để hoạt động có thu nhập, trong khi nhà ở vị trí đắc địa hiện tại giá quá cao. Ví dụ giá bất động sản nhà ở xã hộị tại Bình Dương đã là 28 triệu đồng/m2 là quá cao, ông Vũ nói thêm.
Từ đó, có thể thấy đối với điểm đến đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, chuyên gia "kết luận" trong thời gian ngắn "gợn sóng còn lăn tăn", nhưng dài hạn vẫn là cơ hội rất lớn, đặc biệt sau chính sách tháo gỡ sổ bất động sản nghỉ dưỡng trên đất thương mại dịch vụ và Chính phủ đã công nhận sản phẩm này, các ngân hàng sẽ có cách hỗ trợ để khách hàng được tiếp cận cho vay đối với sản phẩm này.
Ông Lê Bảo Long, CMO batdongsan.com.vn đồng thuận góc nhìn trong ngắn hạn còn khó để bất động sản hồi phục ngay. Nhưng đặt tầm nhìn dài hạn, thời gian vừa qua không phải chu kỳ của bất động sản và phải 20 năm nữa mới đến thời kỳ dân số già hóa, do đó còn ít nhất 2 chu kỳ tăng trưởng nữa. "Vẫn có những nhà đầu tư có khẩu vị với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng", ông Long nói.
Chia sẻ từ thực tế quan sát với khuyến nghị phân bổ lớp tài sản nào trong chiến lược quản lý gia sản cá nhân, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch FIDT cho rằng đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nhìn từ thị trường Nha Trang, đầu cơ ăn chênh lệch giá theo ông chưa "ấm" lại được; nhưng khi thị trường du lịch với khách Trung Quốc, Hàn Quốc trở lại, thì ghi nhận có sự hồi phục. Xu hướng này sẽ lan ra Đà Nẵng, Phú Yên…, cộng hưởng nhu cầu về dòng tiền đang tăng trở lại, sản phẩm có vị trí đắc địa,thương hiệu, giá cả phù hợp thì khả năng hấp thụ rất cao đáp ứng lựa chọn du lịch mùa vụ gia đình, là cơ hội cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư.
Nhấn mạnh về kinh nghiệm làm bất động sản nghỉ dưỡng cần chú trọng gì để các bên win-win, CEO Phát Đạt cho hay nên đầu tư cho những dự án có thương hiệu, bởi khi có chuẩn thương hiệu, khách hàng sẽ hình dung được chất lượng căn hộ dịch vụ. "Chúng tôi cũng đang theo đuổi chiến lược như vậy, qua đó sàng lọc được những người làm ăn không được chuẩn. Dĩ nhiên chi phí vốn tăng lên khi theo đuổi dự án thương hiệu, nhưng khách hàng thuê tăng lên rất cao, thu hút được người đầu tư", ông Vũ chia sẻ.