2 giải pháp nóng hỗ trợ giải quyết hụt cung xăng dầu

L.MỸ 09/11/2022 09:49

Các cơ quan liên Bộ có trách nhiệm trong công tác điều hành xăng dầu đã vào cuộc trong bối cảnh lo ngại hụt cung, khan hiếm xăng dầu diễn ra trên thị trường.

>>>Quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu: Nên quy về một mối

Ở góc độ cung ứng vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công văn số 7881/NHNN-TD gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM), yêu cầu các NHTM quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cơn khát đang diễn ra ở nhiều đô thị lớn. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Cơn khát đang diễn ra ở nhiều đô thị lớn. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Văn bản của NHNN nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Từ đầu năm 2022, NHNN đã có nhiều chỉ đạo về công tác tín dụng, ngoại tệ cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo tại công văn số 1509/NHNN-TD ngày 15/03/2022 về việc cấp tín dụng đối với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các nguyên tắc tín dụng hiện hành và quy định của pháp luật.

Với nhiều người trong, xếp hàng chờ đổ được xăng là một

Nhiều người dân phải xếp hàng chờ rất lâu mới đổ được xăng. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Hai là, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công thương) phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.

Ba là, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các NHTM chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.

Bốn là, định kỳ hàng tháng, thực hiện báo cáo tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu về NHNN. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc trong quá trình, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN để được xem xét, xử lý.

Như vậy, đây là lần thứ 2 trong năm NHNN có văn bản yêu cầu các NHNN đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. 

>>>Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng

Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và 70% còn lại là xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm phải đi nhập khẩu nên vẫn phải phụ thuộc vào thị trường thế giới. Việc nhập khẩu xăng dầu đòi hỏi doanh nghiệp được cung ứng tín dụng đầy đủ, tuy nhiên đây lại là một thách thức trong tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao. Trong đó, tỷ giá ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh để nhập khẩu xăng dầu biến động hàng giờ. "Hóa đơn" nhập khẩu xăng dầu khiến cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu ở thời điểm giá năng lượng quốc tế tăng cao vào đầu quý II/2022 hiện tại, theo nhiều chuyên gia, có thể không "đáng ngại" so với áp lực biến động tỷ giá hiện nay, mặc dù NHNN đã rất nỗ lực và quyết liệt trong bảo vệ ổn định VND với trượt giá trong biên độ. 

Nhiều cây xăng bán lẻ lớn đã treo biển ngưng bán. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Nhiều cây xăng bán lẻ lớn đã treo biển ngưng bán. (Ảnh một cây xăng lớn treo biển đóng cửa trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM - Hương Giang)

Song song với động thái của NHNN, từ phía Bộ Tài chính, cơ quan này cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, thời gian dự kiến áp dụng là từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11. 

Tại văn bản, Bộ Tài chính thông báo tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít (tăng 290 đồng); xăng RON95: 1.280 đồng/lít (tăng 560 đồng); dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít (tăng 160 đồng); dầu hỏa: 1.740 đồng/lít (tăng 660 đồng); dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg (giữ nguyên). 

Trước đó, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam được tăng vào ngày 8/7 và áp dụng từ ngày 11/7 với mức tăng 350 đồng/lít đối với xăng nền phối trộn xăng E5RON92  (tăng 60 đồng); xăng RON 95 lên 720 đồng/lít (tăng 350 đồng); dầu diezen 0,05S lên 570 đồng/lít (tăng 340 đồng); dầu hỏa lên 1.080 đồng/lít (tăng 650 đồng); dầu madut 180cst 3,5s lên 1.290 đồng/kg (tăng 390 đồng). 

Trước đề xuất tăng chi phí vận chuyển xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết, qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối, xăng premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. 

Mặt khác, các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, thông báo áp dụng vào 10/01/2023. Vì vậy Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/01/2023 theo đúng quy định.  

Trước đó, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí định mức tính giá xăng dầu chưa phù hợp, không đảm bảo chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp do mức quy định chênh lệch lớn so với thực tế. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ và chấp nhận đóng cửa hàng khi chi phí premium nhập khẩu chênh lệch thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế. 

Có thể bạn quan tâm

  • Khan hiếm xăng dầu: “Thiếu thật” hay “thiếu giả”?

    Khan hiếm xăng dầu: “Thiếu thật” hay “thiếu giả”?

    00:00, 09/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Cần tôn trọng cơ chế thị trường

    Khan hiếm xăng dầu: Cần tôn trọng cơ chế thị trường

    04:30, 08/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

    Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

    14:57, 07/11/2022

  • Doanh nghiệp xăng dầu than khó vì khan hiếm nguồn cung

    Doanh nghiệp xăng dầu than khó vì khan hiếm nguồn cung

    20:06, 07/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Cách nào giải quyết gốc rễ vấn đề?

    Khan hiếm xăng dầu: Cách nào giải quyết gốc rễ vấn đề?

    02:00, 08/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
2 giải pháp nóng hỗ trợ giải quyết hụt cung xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO