3 “điểm nghẽn” ĐBSCL

NGUYỄN HÙNG 03/08/2022 13:15

Để đưa nền kinh tế ĐBSCL phát triển, ĐBSCL phải giải quyết 3 vòng xoáy, gồm: “vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế”.

 VCCI công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

VCCI công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Đó là một trong các khuyến nghị được nêu trong Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1/8/2022, tại Thành phố Cần Thơ.

Những điểm nghẽn phải đối mặt

Cụ thể, theo các nghiên cứu được nêu trong báo cáo lần này đã chỉ ra điểm sáng nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp tác động nặng nề của dịch Covid-19, nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng dương 1,57%.

Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế toàn vùng khi công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 70% GDP vùng đều tăng trưởng âm.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chình sách công và quản lý Fulbright, trưởng nhóm nghiên cứu, để đưa ĐBSCL phát triển phải giải quyết 3 mắt xích quan trọng mới có thể đảo ngược thành công các vòng xoáy của ĐBSCL. Bởi, trên thực tế, những điểm nghẽn mà ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất 3 vòng xoáy đang đi xuống, gồm: “vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và “vòng xoáy cấu trúc kinh tế”. Tuy nhiên để giải quyết được bài toàn này cần phải xử lý dứt điểm một số vấn đề.

Đầu tiên là thay đổi quan điểm về an ninh lương thực theo hướng hiện đại, không chỉ coi trọng số lượng mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, cũng như khả năng chống chịu và thích nghi trước cú sốc về kinh tế và môi trường.

Tiếp đến là chú trọng đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, bởi mắt xích này sẽ giúp giảm chi phí logistics, tạo tiền đề cho việc tổ chức các trung tâm đầu mối gắn kết với các vùng chuyên canh nông nghiệp và thủy sản.
Ngoài ra, việc thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ góp phần giữ chân lao động ở lại ĐBSCL gắn với cải thiện kiến thức, kỹ năng, thái độ của người lao động đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai.

Chuyển đổi để tránh tụt hậu

TS Phạm Chi Lan, chuyên gia tư vấn (chuyên trách) Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: trong nhiều năm qua, những thách thức đối với ĐBSCL liên quan đến những vấn đề, như: cạn kiệt nguồn tài nguyên, đất, nước, môi trường; lao động suy giảm... Khi nhìn vào bức tranh của ĐBSCL đang tụt hậu rất xa so với các vùng miền khác trên cả nước.

Nếu như cách đây 30 năm khi bắt đầu tiến trình đổi mới, GDP trung bình của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ này đã đảo ngược, GDP của cả vùng ĐBSCL chỉ bằng 2/3 so với TP.HCM, trong khi dân số ở ĐBSCL gần gấp đôi dân số TP.HCM.

“Để giải quyết bài toán này, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần phải thực hiện ngay giải pháp chuyển đổi nông nghiệp một cách hiệu quả. Làm thế nào để ĐBSCL có được một nền nông nghiệp có thể sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, thông minh hơn… nếu không ĐBSCL sẽ lại tiếp tục tụt hậu” - TS Phạm Chi Lan nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:
Thiếu vai trò nhạc trưởng

Trung ương cần có chỉ đạo để các địa phương phải ngồi lại với nhau để tìm ra một nhạc trưởng đủ bản lĩnh, tiềm lực… Việc đề xuất một Phó Thủ tướng là Chủ tịch hội đồng vùng là rất cần thiết để dẫn dắt các địa phương tìm được tiếng nói chung.

Sự kiện công bố Báo cáo lần này là để nhân dân và chính quyền các cấp của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL biết được sự ra đời chính thức của quy hoạch cấp khu vực và ý chí chính trị, sự cam kết của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển của ĐBSCL theo hướng xanh, bền vững và bao trùm, gìn giữ môi trường và duy trì bản sắc văn hóa đặc thù sông nước của vùng. Bởi, trên thực tế, bài toán liên kết vùng đến nay mấu chốt vẫn là sự thiếu vắng vai trò của nhạc trưởng.

Nhìn từ phía cơ hội đầu tư, sau 4 năm soạn thảo, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2022. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ĐBSCL có một bản quy hoạch cấp vùng mang tính đa ngành, cho nên việc các địa phương phải tuân thủ nghiêm quy hoạch này là việc hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Út –  Chủ tịch UBND tỉnh Long An: 
Tập trung phát triển hạ tầng

Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hạn chế về hạ tầng giao thông thuỷ, bộ khiến kế hoạch liên kết vùng gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Và cũng chính nguyên nhân này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực này chưa thực sự xứng tầm với những gì mà thiên nhiên ưu đãi.

Do đó, để giải quyết được bài toán này thì ngay bây giờ, thì sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành, cũng như các địa phương cần hiện thực hoá cũng như tuân thủ nghiêm túc Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là phát huy tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần khẩn trương ưu tiên nghiên cứu, xem xét xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể các dự án giao thông trung hạn và dài hạn của vùng ĐBSCL, trong đó, lưu ý khi mở thêm tuyến giao thông mới phải phù hợp với thực tế, tránh phá vỡ phương án tài chính của các dự án giao thông BOT đã triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp

    Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp

    16:18, 01/08/2022

  • Bốn nội dung quan trọng các địa phương vùng ĐBSCL cần giải quyết

    Bốn nội dung quan trọng các địa phương vùng ĐBSCL cần giải quyết

    15:20, 01/08/2022

  • Đảo ngược bốn xu hướng của ĐBSCL

    Đảo ngược bốn xu hướng của ĐBSCL

    12:31, 01/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 “điểm nghẽn” ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO