3 xu hướng nổi trội định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam

LÊ MỸ 10/05/2024 14:29

Làn sóng tiêu dùng không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, góp phần xúc tiến đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán...

>>>AI sẽ tái định hình tương lai thanh toán số tại Việt Nam ra sao?

Đây là một trong những nhận định từ đại diện Visa - công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, tại Diễn đàn thanh toán mở (Open Payments Forum) kết nối các tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính (fintechs), nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trong những trao đổi tiên phong về phát triển thanh toán số và giải pháp tối ưu cho từng thành viên trong hệ sinh thái.

Bà

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ tại diễn đàn Thanh toán mở

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: “Làn sóng tiêu dùng không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, góp phần xúc tiến đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán. Theo đuổi cam kết dài hạn hướng tới một xã hội không tiền mặt, Visa đang kết hợp cùng nhiều đối tác chiến lược để phát triển hệ sinh thái thanh toán ngày càng thuận tiện, an toàn và bảo mật hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam”.

Diễn đàn Thanh toán Mở của Visa nêu bật 3 xu hướng nổi trội sẽ định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam.

Xu hướng 1: Bối cảnh thanh toán sẽ trở nên đa dạng hơn – mở ra cơ hội cho bên tham gia

Trao đổi về tương lai thanh toán, các diễn giả giới thiệu nhiều kinh nghiệm và giải pháp đáp ứng nhu cầu tối ưu của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế số không ngừng phát triển hiện nay, cùng với đó là các chia sẻ xoay quanh chủ đề trải nghiệm thanh toán liền mạch cho khách hàng.

Từ thực tế Việt Nam đang từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu xã hội không dùng tiền mặt, bối cảnh thanh toán sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi trong thời gian tới, dự báo sự tham gia của các bên sở hữu những sáng kiến hữu ích phục vụ cộng đồng. Điều này sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái thanh toán toàn diện hơn, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho tất cả các bên tham gia. Đi cùng với cơ hội là thách thức, theo đó, đơn vị kinh doanh, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cần chuẩn bị sẵn sàng để định hình những bước đi tiếp theo, phù hợp với môi trường cạnh tranh phức tạp hơn này.

>>>Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tăng doanh thu khi thanh toán số

Xu hướng 2: Khách hàng kỳ vọng cao hơn về trải nghiệm thương mại điện tử và doanh nghiệp cần đáp ứng tối đa kỳ vọng này để tồn tại và phát triển

Kỳ vọng của khách hàng đang thay đổi và điều này sẽ có những ảnh hưởng đáng kể tới cách doanh nghiệp đáp ứng thị trường. Trong đó, những hoạt động kinh doanh được đánh giá cao trước đây như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng căn bản, có mặt trên đa dạng kênh bán hàng… sẽ không còn đáp ứng đầy đủ trong điều kiện mới.

Tương lai của thương mại sẽ kết hợp nhiều “điểm chạm” (touchpoint) hơn, với cơ hội tiêu dùng diễn ra ở khắp mọi nơi và sản phẩm cũng như trải nghiệm mua sắm sẽ mang theo nhiều màu sắc mới nhờ đổi mới, sáng tạo đang diễn ra từng ngày trên không gian số. Nhà bán lẻ, do đó, cần các giải pháp thanh toán phù hợp để đáp ứng kỳ vọng cao hơn này từ phía khách hàng, từ đó bắt kịp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và trải nghiệm thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang mang đến cơ hội cho các định chế tài chính, doanh nghiệp, các tổ chức trung gian thanh toán. Bối cảnh thanh toán này được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi trong thời gian tới, với sự tham gia của các bên sở hữu những sáng kiến hữu ích phục vụ cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Thanh toán không dùng tiền mặt đang mang đến cơ hội cho các định chế tài chính, doanh nghiệp, các tổ chức trung gian thanh toán. Bối cảnh thanh toán này được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi trong thời gian tới, với sự tham gia của các bên sở hữu những sáng kiến hữu ích phục vụ cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Xu hướng 3: Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần công cụ để tự bảo vệ mình trước những hình thức gian lận mới

Báo cáo Thương mại điện tử và Gian lận Toàn cầu năm 2024 do Visa thực hiện nhấn mạnh các lạm dụng chính sách/hoàn tiền và gian lận thân thiện (hay còn gọi là gian lận từ bên thứ nhất, first-party misuse) là hai hình thức gian lận phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần một nửa số đơn vị kinh doanh bán lẻ trên toàn cầu. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, người dùng đang đòi hỏi cần có hình thức thanh toán an toàn cùng với chính sách quản lý tranh chấp và gian lận mạnh mẽ, hiệu quả hơn để đảm bảo niềm tin trong giao dịch.

Đây là báo cáo được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023 với 1.166 người bán hàng liên quan đến gian lận thương mại điện tử và quản lý thanh toán. Đối tượng tham gia khảo sát ở 37 quốc gia khác nhau, trải dài trên bốn khu vực địa lý, với sự đa dạng theo các cấp độ doanh thu, kênh bán hàng và danh mục Thương mại điện tử. Các thông tin từ Báo cáo cho thấy bức tranh toàn cảnh về thanh toán và gian lận trong môi trường Thương mại điện tử từ góc độ của nhà bán hàng.

Chia sẻ về tầm quan trọng của quan hệ hợp tác cùng cộng đồng nhà bán hàng, bà Lisa Sargent, Trưởng Bộ phận Phát triển Chấp nhận Thanh toán, Visa khu vực Đông Nam Á, cũng khẳng định: “Thông qua mạng lưới kết nối và sáng kiến đổi mới của Visa, chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác trong hệ sinh thái thanh toán, bao gồm cả quá trình làm việc trực tiếp cùng nhà bán hàng, nhằm tăng cường quản lý gian lận và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng”.

Kết nối nhà bán lẻ với hệ sinh thái toàn cầu gồm đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, giải pháp công nghệ và các ứng dụng từ Visa như mã token và công cụ đề phòng gian lận, nền tảng Chấp nhận Thanh toán Visa (Visa Acceptance Platform, VAP) hỗ trợ các đối tác kinh doanh thông qua việc xây dựng hệ thống giải pháp thanh toán linh hoạt. Trong đó, nhà bán lẻ sử dụng VAP cho biết tỉ lệ chuẩn chi giao dịch thanh toán tăng trung bình 2,97% và tỉ lệ gian lận giảm 70 điểm cơ bản.

Trước đó, kết quả từ Nghiên cứu thái độ thanh toán người dùng 2023 do Visa tổ chức phản ánh, xu hướng số hóa tiếp tục tăng ở Việt Nam, cùng nhu cầu từ phía doanh nghiệp trong tăng cường năng lực cạnh tranh giữa bối cảnh mới, đang trở thành trợ lực thúc đẩy ứng dụng thanh toán số phát triển.  ví điện tử và thanh toán trực tuyến đang nhanh chóng đuổi kịp giao dịch tiền mặt về mức độ phổ biến và tần suất sử dụng. Nghiên cứu cũng thấy rằng giải pháp thanh toán thông minh (smart checkout) hay tài chính nhúng (embedded finance) cho phép giao dịch liền mạch trên các ứng dụng điện thoại, trang web cũng đang được đông đảo người dùng sử dụng.

Trên thực tế, theo đánh giá và dữ liệu của NHNN, các giải pháp thanh toán thông minh đã và đang chiếm ưu thế trong các phương thức thanh toán trên thị trường. Đến cuối 2023, NHNN cho biết, thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị. Ngược lại, giao dịch qua ATM lại có xu hướng tiếp tục suy giảm, đạt khoảng 900 giao dịch, giá trị khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 giảm 8,84% về số lượng và hơn 9% về giá trị.

Với thanh toán qua NAPAS, đến cuối năm 2023 cũng tăng mạnh, đạt trên 7,4 triệu giao dịch, giá trị đạt khoảng 54,1 triệu tỷ đồng, tăng 50% về số lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó về ví điện tử, với 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường được cấp phép, đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.

Các dữ liệu phản ánh xu hướng thanh toán khá tương đồng với dữ liệu/ báo cáo của Visa. Thanh toán qua hệ thống Visa, theo một báo cáo gần nhất, ghi nhận 65% người tiêu dùng tại Việt Nam hiện mang ít tiền mặt hơn so với trước COVID-19, trong khi 76% sử dụng ví điện tử. Trên 80% người tiêu dùng sử dụng thanh toán thẻ, giao dịch mã QR, ví điện tử hàng tuần.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tăng doanh thu khi thanh toán số

    Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tăng doanh thu khi thanh toán số

    10:00, 13/03/2024

  • Châu Á tạo đòn bẩy thanh toán số

    Châu Á tạo đòn bẩy thanh toán số

    03:00, 17/04/2024

  • Tuần lễ chuyển đổi số năm 2023 từ khai thác dữ liệu số, thanh toán số

    Tuần lễ chuyển đổi số năm 2023 từ khai thác dữ liệu số, thanh toán số

    11:40, 17/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 xu hướng nổi trội định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO