Theo Vietcap (VCI), tại buổi họp của UBCKNN cập nhật với FTSE Russell về khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi ngày hôm qua, có một số diễn tiến đáng chú ý.
>>>Hệ thống KRX sẽ rút ngắn thời gian nâng hạng thị trường chứng khoán?
Cụ thể, CTCP Chứng khoán Vietcap vừa chia sẻ một số thông tin cập nhật về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Quyết định và thông báo của FTSE Russell là:
Thứ nhất, việc quyết định phân loại lại Việt Nam vào thị trường mới nổi của FTSE Russell có thể diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 9 (trong khuôn khổ các buổi đánh giá định kỳ 6 tháng) với thời gian hiệu lực 6-12 tháng sau đó. FTSE cũng sẽ công bố danh sách các cổ phiếu đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí sàng lọc ngay sau thông báo.
Thứ hai, FTSE sẽ dựa trên phản hồi từ cộng đồng quốc tế để xác định mô hình không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Non-Prefunding) của Việt Nam có hoạt động hiệu quả hay không. FTSE sẽ tham vấn với 4-5 ủy ban cố vấn (tổng cộng 120-140 thành viên).
Thứ ba, không có yêu cầu về thời gian Non-Prefunding phải được thực hiện trong bao lâu trước kỳ xem xét.
>>>UBCKNN: Tìm kiếm các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường
Thứ tư, thông báo sẽ được công bố rộng rãi cho công chúng bao gồm khách hàng của FTSE và tất cả các bên tham gia thị trường.
Thực hiện:
Sau khi phân loại lại, việc thực hiện có thể được tiến hành theo nhiều đợt cho đến khi đạt được mức tỷ trọng đầy đủ, tùy thuộc vào khả năng hấp thụ nhu cầu của thị trường Việt Nam.
FTSE sàng lọc các cổ phiếu đủ điều kiện dựa trên nhiều tiêu chí như tỷ lệ room khối ngoại khả dụng, quy mô, tính thanh khoản và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float). Do đó, không phải tất cả cổ phiếu Việt Nam đều sẽ được chuyển sang FTSE Emerging Index.
Cùng với đó, có một số thông tin tích cực đã được đưa ra, bao gồm: FTSE đang làm việc định kỳ hàng tháng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Đây là thông tin cũng đã được UBCKNN khẳng định, sẽ liên tục làm việc với các tổ chức để cập nhật thúc đẩy thị trường đáp ứng các tiêu chí theo mục tiêu nâng hạng). Đáng chú ý là FTSE sẽ quay lại thăm Việt Nam vào đầu tháng 3.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI. Đối với MSCI, hiện không yêu cầu phản hồi từ FTSE về các quyết định phân loại lại thị trường của họ. Cả hai đều là tổ chức riêng biệt và đưa ra quyết định độc lập.
Vietcap đã tiến hành tính toán sơ bộ dựa trên tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào thị trường Mới nổi của FTSE và sau đây là 30 cổ phiếu xếp đầu theo vốn hóa thị trường có khả năng đủ điều kiện tham gia FTSE Emerging Index: VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN, SAB, STB,VJC, VRE, SSI, LPB, SHB, EIB, DGC, NVL, BVH, HVN, POW, VND, KDH, KBC, VGC, PDR, VCI, GEX, KDC, DCM, DIG, PVD. (CTCK này đây không phải là dự báo chính thức vì dữ liệu có thể thay đổi đáng kể từ bây giờ cho đến khi có thông báo chính thức).
Theo tin cập nhật, về tiêu chí gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL): Đây không phải là yêu cầu bắt buộc, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là không bắt buộc.
Như vậy, không ít tiêu chí được xem là rào cản đối với tiến trình nâng hạng của TTCK Việt Nam, đang dần được nới từng nút thắt. Trước đó, theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đánh giá về thông tin trên, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối Phân tích CTCP FDIT cho biết: Thứ nhất, phải thấy rằng nỗ lực từ cả 2 phía là FTSE Russell và UBCKNNN trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng mà chủ yếu là yêu cầu prefunding của Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi kỳ vọng vấn đề này sẽ giải quyết vào quý II/2024 để FTSE có thể nâng hạng vào kỳ tháng 9 sẽ khả thi hơn là tháng 3.
Thứ hai, thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng nên thị trường sẽ thu hút dòng tiền cho câu chuyện nâng hạng rõ hơn vào quý II với sự quay lại của khối ngoại. Và như vậy, chỉ số VN-Index sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2024 so với nhiều dự phóng của nhiều bên phân tích khi đa số các dự phóng chưa tính đến câu chuyện nâng hạng mà tập trung vào các yếu tố nội tại.
"Các cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ nâng hạng sẽ tập trung vào nhóm vốn hóa hơn và vừa chưa full room (hết tỷ lệ sở hữu cổ phiếu khối ngoại)", ông Phương nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán tháng 1: Những tác động đáng chú ý
05:25, 23/01/2024
Tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc, vốn ngoại chảy đi đâu?
04:00, 24/01/2024
Công ty chứng khoán đua báo lãi, nhóm thị phần nhỏ phân hóa mạnh
13:08, 20/01/2024
Eximbank thăm, làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán London
10:15, 17/01/2024