Cùng chồng gầy dựng startup đình đám của người Việt tại Mỹ là Misfit, bà Lê Diệp Kiều Trang khuyên giới khởi nghiệp trong nước tránh "bệnh" thỏa mãn sớm.
Giám đốc Facebook Việt Nam – Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) vừa có buổi xuất hiện và chia sẻ kinh nghiệm với hàng trăm khách mời tại Diễn đàn "Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước".
Bà chia sẻ với tư cách từng tham gia điều hành Misfit, công ty do chồng sáng lập. Đây là một trong những startup thành công nhất của người Việt tại Mỹ, khi được Fossil Group mua lại với giá 260 triệu USD.
Trong 3 năm đầu thành lập Misfit, từ 2012 đến cuối 2015, bà Trang gọi mình là "người ngồi trong nhà để lo mọi việc bên trong". Bà giữ cương vị CFO và COO.
Những quan điểm về nhân sự của bà là một trong những yếu tố giúp Misfit thành công. Điều đó càng đúng hơn khi Misfit không là người tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới. Ngày thiết bị đo mức độ vận động cơ thể của công ty ra mắt, trên thị trường vốn đã có 20 sản phẩm tương tự.
Misfit đặt văn phòng tại nhiều quốc gia. Trong giai đoạn nằm trong quyền kiểm soát của đôi vợ chồng Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) – Lê Diệp Kiều Trang, công ty này có một trụ sở tại Việt Nam nhưng sản xuất tại Hàn Quốc.
Bà Trang cho biết, lực lượng nòng cốt ban đầu của công ty là các du học sinh Việt Nam tốt nghiệp ở Mỹ, Anh, Canada. Bà kêu gọi những người trẻ về làm việc và chia sẻ mục tiêu xây dựng một công ty mà R&D dựa vào nguồn lực Việt Nam chứ không chỉ sản xuất ở Việt Nam.
“Khi đã có nhóm du học sinh cùng trở về và ngồi lại với nhau thì công ty có lợi thế thu hút được các thủ khoa, á khoa các trường đại học trong nước. Các bạn này rất ham học hỏi và muốn được phát triển bản thân. Nhờ thế, mình thu hút được nguồn kỹ sư chỉ học ở Việt Nam", bà Trang kể lại.
Điều duy nhất mà bà Trang vẫn chưa hài lòng là làm sao để không tách những trí thức trẻ ra khỏi hẳn môi trường hàn lâm.
“Thật ra khi bên mình mời về thì các bạn đang làm giảng viên tại các trường đại học ở Việt Nam. Sau khoảng 3-6 tháng thì các bạn nghỉ dạy hẳn để làm R&D với mình. Mình vẫn chưa giải được bài toán làm sao để các bạn vẫn ở trong môi trường học thuật hàn lâm mà vẫn làm nghiên cứu trong doanh nghiệp”, bà nói.
Theo bà Trang, trong một công ty khởi nghiệp, tìm người có kỹ năng và phù hợp văn hóa quan trọng hơn là người có tố chất thông minh, hay ‘Skills’ quan trọng hơn IQ. Ứng viên có thể không là người thông minh nhất nhưng phải có kỹ năng đưa ra sản phẩm.
“Chúng tôi không đánh giá về số năm kinh nghiệm mà đánh giá về sự hiểu biết, đã thông suốt lĩnh vực nào và tìm hiểu thêm lĩnh vực nào. Quan trọng nhất là có phù hợp văn hóa với nhau, cùng chia sẻ được mục tiêu lâu dài hay không, có thấy ý nghĩa với công việc mình làm hay không”, bà Trang kể về tiêu chí.
“Vấn đề chung của thế giới này là những người ảo tưởng thì luôn luôn chắc chắn về chính mình trong khi những người khôn ngoan thì luôn luôn ngờ vực”, bà Trang dẫn câu nói của triết gia Bertrand Russell để chia sẻ kinh nghiệm.
Theo bà, trong lĩnh vực công nghệ, nhận xét này thường xuyên đúng. Các nhân sự chuyên về kỹ thuật khá kiệm lời và thường xuyên suy nghĩ rằng những điều mình làm có đúng hay không. “Nhưng thường, những ý tưởng hay nhất là từ các bạn đó”, cựu COO của Misfit chia sẻ.
“Mình nghĩ một điều mà các bạn tại Việt Nam nên thay đổi là không nên thỏa mãn sớm. Nếu nhìn qua Israel, Trung Quốc hay nước khác thì các bạn thành công ở Việt Nam thỏa mãn sớm quá. Vì thế, các bạn không lập được đường đi lâu dài và không vươn đến những tầm cao hơn.
Do đó, hãy cố gắng làm những điều mình chưa thể. Cố gắng làm thật cầu toàn thì bạn sẽ làm được nhiều điều thú vị”, Kiều Trang thẳng thắn nhận xét.
Cuối năm 2015, sau khi Misfit Wearables được bán cho Fossil Group, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam. Đầu tháng 3, bà chính thức rút khỏi Fossil Việt Nam để đầu quân cho Facebook.
“Làm startup thì rất lo lắng nhưng mình có cơ hội làm những việc chưa có khả năng. Anh Sơn và mình cũng vậy. Khi bắt đầu thì chưa biết nhưng khi đã nhúng tay vào thì làm hết sức. Mình thử sức và tìm ra được điều tốt nhất”, bà nói.