Theo thông tin báo chí của Bộ Tài chính về kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife, Bộ đã chỉ ra các sai phạm...
>> Lá chắn bảo hiểm
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tiến hành thanh tra hoạt động này tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, minh bạch, “sai đến đâu xử nghiêm tới đó” của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đoàn thanh tra đã triển khai công tác thanh tra nghiêm túc, khách quan và trung thực.
Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng.
Một số hành vi vi phạm điển hình được nêu như:
Thứ nhất, không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp;
Thứ hai, không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm;
Thứ ba, cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin;
Thứ tư, không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
“Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.”- Bộ Tài chính nhấn mạnh.
>>Mua bảo hiểm nhân thọ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 04 doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng có sự tăng trưởng nhanh, tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng. Ngay trong năm 2022, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Đồng thời, bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Theo đó các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi phí phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng chứng minh, phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, đảm bảo các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, thông tin của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng, đồng thời. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối năm 2022, top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần về thị phần bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam lần lượt gồm: Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, và AIA. Như vậy, trong 4 doanh nghiệp Cơ quan của Bộ đã thanh tra và chỉ ra các sai phạm, yêu cầu khắc phục, chỉ có Prudential nằm trong top 5 nhóm nắm giữ 76% thị phần bảo hiểm. Đây cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có mạng lưới hợp tác mạnh với các ngân hàng khi Prudential đặt quan hệ hợp tác phân phối bảo hiểm cùng lúc với 7 ngân hàng gồm: Standard Chartered Bank, MSB, PVComBank, VIB, UOB, Shinhan Bank và SeABank. Prudential cũng là doanh nghiệp bảo hiểm đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất trong số 5 doanh nghiệp nói trên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với những thay đổi và đầu tư mạnh mẽ đặc biệt của khối ngoại vào thị trường bảo hiểm, thị phần bảo hiểm nhân thọ đang được cho ngày càng chứng kiến sự cạnh tranh và có thể dịch chuyển tỷ lệ khai thác. Trong đó, các doanh nghiệp như MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife (thuộc nhóm 4 doanh nghiệp đã thanh tra), cũng đang có nhiều lợi thế để khai thác, đi sâu tiếp cận khách hàng. Chẳng hạn, MB Ageas, BIDV Metlife có lợi thế từ hệ sinh thái ngân hàng; MB Ageas từ chỗ một doanh nghiệp bảo hiểm trẻ, trong vòng 6 năm, đã vươn lên top 5 kênh Bancassurance. Sun Life hợp tác với ACB, một trong những ngân hàng có mạng lưới mạnh...
Có thể bạn quan tâm