Ca bệnh 2899 đến nay đã lây cho ít nhất 14 trường hợp, chuyên gia cho rằng có tới 4 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân này.
Bệnh nhân 2899, 28 tuổi ở Hà Nam được Bộ Y tế công bố vào chiều 29/4. Đến nay, đã có ít nhất 14 trường hợp F1, F2 của bệnh nhân này dương tính với SARS-CoV-2, trong đó Bộ Y tế đã công bố 8 ca.
Bệnh nhân 2899 từ Nhật Bản về Đà Nẵng ngày 7/4, sau đó cách ly tập trung tại một khách sạn ở Đà Nẵng đủ 14 ngày với 3 lần xét nghiệm âm tính. 18h40 ngày 21/4, bệnh nhân đi xe khách về quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Sáng 24/4, bệnh nhân có biểu hiện ho sốt, đau họng, nên bố bệnh nhân đã đến trạm y tế xã khai báo. Tuy nhiên phải đến ngày 28/4, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm, chiều cùng ngày bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trong khoảng thời gian từ ngày 22/4 đến 28/4, bệnh nhân 2899 đã gặp gỡ, ăn uống với rất nhiều người.
Trao đổi với Dân trí về khả năng lây nhiễm của ca bệnh kể trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Bộ Y tế cho rằng có 4 khả năng lây nhiễm.
Khả năng thứ nhất, có thể lây nhiễm trong khu cách ly. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, có thể bệnh nhân này lây nhiễm Covid-19 ngay trong khu cách ly, tuy nhiên đến khi rời khỏi khu cách ly mới phát bệnh.
Khả năng thứ hai có thể nhiễm SARS-CoV-2 ở bệnh nhân này, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định có thể do thời gian ủ bệnh quá 14 ngày. Trên thực tế, có một số ca mắc Covid-19 biểu hiện muộn sau 14 ngày.
Khả năng thứ ba, theo PGS.TS Trần Đắc Phu có thể xảy ra và cần kiểm tra lại lần xét nghiệm cuối cùng tại khu cách ly là ngày thứ bao nhiêu, có đúng là ngày thứ 14 không.
Khả năng thứ tư, theo PGS.TS Trần Đắc Phu có thể xảy ra với trường hợp này, đó là lây nhiễm trong quá trình di chuyển về nhà và tiếp xúc nhiều người.
"Có thể trong quá trình di chuyển bệnh nhân bị lây nhiễm. Cũng có thể bệnh nhân bị lây ở cộng đồng, mà không thể xác định được nguồn lây là ở đâu", ông Phu nói.
"Tuy nhiên, như tôi đã nói, phải điều tra dịch tễ rất kỹ càng mới có thể đánh giá nguồn lây, thậm chí có những trường hợp không thể truy vết được lây nhiễm của ca F0", ông Phu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, vấn đề xác định nguồn lây rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch. "Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... trong cộng đồng để tránh lây lan và tiếp đến phải khẳng định trường hợp này có bị lây nhiễm ở cộng đồng không để có biện pháp chống dịch phù hợp", ông Phu nói.
Chuyên gia này cũng đánh giá, quy định thời gian cách ly tập trung của Bộ Y tế 14 ngày về cơ bản là đảm bảo an toàn. Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ sau 14 ngày xét nghiệm 3 lần âm tính, bệnh nhân về nhà phải theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc không cần thiết.
Trước đó, liên quan quá trình cách ly của ca "siêu lây nhiễm" ở Hà Nam, Sở Y tế Đà Nẵng khẳng định, qua điều tra dịch tễ, kết quả rà soát, kết quả xét nghiệm, đánh giá quá trình cách ly tại khách sạn cho thấy anh N.V.Đ. đủ điều kiện hoàn thành cách ly y tế.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, sáng nay (30/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, đặc biệt là từ các nước xung quanh chúng ta và khi chúng ta tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về nước, các mầm bệnh từ đó có thể thâm nhập. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc một số ca bệnh vừa bùng phát ở Hà Nam và một số địa phương. Ngoài ra, công tác quản lý cách ly y tế còn chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Ý thức, hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt, chưa nghiêm.
“Phải hết sức bĩnh tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng chống dịch thời gian qua, những bài học phòng chống dịch từ các nước trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh. Chúng ta vẫn tự tin, vẫn có thể xử lý tốt được tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ biểu dương, khích lệ, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân làm hay, làm tốt, hy sinh hết mình vì cộng đồng thời gian qua. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nhấn mạnh việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả.
Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn nữa.
Thủ tướng nhắc lại mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Bên cạnh đó, phải tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới.
Trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm “chống dịch như chống giặc”. “Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bình tĩnh, sáng suốt, sáng tạo, linh hoạt, chủ động, tích cực trong xử lý vấn đề cụ thể, không bi quan nhưng không chủ quan, Thủ tướng nêu rõ. Phát huy kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm quý báu đã có để tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia. Yêu cầu cả hệ thống chính trị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, huy động trí tuệ tập thể, sức mạnh tổng lực vào phòng chống dịch.
Có thể bạn quan tâm
12:16, 30/04/2021
09:22, 30/04/2021
04:54, 30/04/2021
02:00, 30/04/2021
20:21, 29/04/2021
20:00, 29/04/2021
17:57, 29/04/2021
14:54, 29/04/2021
00:00, 29/04/2021