Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam 4 tháng năm 2020 ước đạt trên 17 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 10,64 tỷ USD giảm 6,6%, nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm gần 9% so với cùng kỳ.
Trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt may, giảm sâu nhất là mặt hàng xơ sợi, với mức giảm gần 12%, với 1,18 tỷ USD và vải không dệt giảm hơn 22%. Nhóm hàng dệt may đạt 6,269 tỷ USD, giảm gần 6%, xuất khẩu các loại nguyên phụ liệu cũng giảm 6,02%, đạt 354 triệu USD. 4 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của ngành xuất khẩu tỷ USD này đạt 5,38 tỷ USD, giảm 3,19% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành dệt may Việt Nam chưa thực sự được hồi phục khi bị ảnh hưởng gián tiếp từ chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung thì đã phải bước qua tiếp một thực tế không mấy sáng sủa do dịch bệnh COVID-19 mang lại.
Với ngành Sợi, tình hình cũng không diễn biến khá hơn do cầu từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh. Kịch bản tích cực nhất được Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra là xuất khẩu đạt khoảng 35 tỷ USD giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó, kịch bản hiện thực là khoảng 33,5 tỷ USD, kịch bản thấp, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 30-31 tỷ USD.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, dịch COVID-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong quý I, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu thì từ giữa tháng 3, nhiều doanh nghiệp lại rơi vào tình huống đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng khi nhiều đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu cắt, hủy đơn hàng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất xong rồi cũng không giao được hàng. Có những doanh nghiệp khi đã chuyển hàng đến cảng biển rồi nhưng không xuất đi được, làm tăng chi phí lưu kho bãi. Chưa bao giờ mà tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều có tăng trưởng âm như vậy". Ông Cẩm cho biết.
Theo ông Lê Tiến Trường - Giám đốc điều hành của Vinatex, nếu tình hình dịch như hiện nay tiếp tục, khoảng 30 cho đến 50% việc làm sẽ có thể biến mất trước thời điểm tháng 5/2020. Vinatex hiện đang có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 người lao động.
Tác động từ đại dịch COVID-19 bắt đầu có thể nhìn thấy rõ từ tháng 2/2020 khi mà hoạt động thu mua nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc bắt đầu chững lại. Khi mọi chuyện bắt đầu trở lại vào tháng 3/2020, làn sóng thứ hai tiếp tục tác động xấu đến ngành.
Nhu cầu với sản phẩm dệt may tại Mỹ và châu Âu đã giảm do người tiêu dùng ở nhà để tuân thủ quy định phong tỏa của nhà chức trách. Nhiều nhà kinh doanh sản phẩm may mặc đã hủy các đơn hàng cũ và ngừng cả đơn hàng mới.
Tuy vậy, đối với một số doanh nghiệp dệt may sản xuất hàng may mặc cơ bản cũng sẽ chịu ảnh hưởng ít tiêu cực hơn. Hàng may mặc cơ bản được xem là tiêu dùng tương đối thiết yếu trong đời sống thường ngày. Do đó, nhu cầu đối với các thị trường có thể bị ảnh hưởng trong thời điểm bùng phát dịch.
Tuy nhiên, nhóm ngành này có thể sẽ hồi phục tương đối mạnh mẽ giai đoạn sau dịch. Bởi nhu cầu hàng may mặc trên thế giới sau khi suy giảm do ảnh hưởng dây chuyền từ khủng hoảng tài chính lên nền kinh tế năm 2009, đã phục hồi khá mạnh mẽ ngay sau đó khi các nền kinh tế lớn quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
13:00, 06/05/2020
07:00, 06/05/2020
11:33, 04/05/2020
04:00, 02/05/2020
20:08, 20/04/2020
12:19, 01/04/2020