Bốn yếu tố chính sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của vận tải đường bộ là: Dịch vụ cung cấp, cơ sở hạ tầng, chính sách của Chính phủ và tính bền vững.
Kết quả báo cáo mới nhất với chủ đề “Con đường hướng tới tương lai: Dẫn lối cơ hội cho vận tải đường bộ tại Đông Nam Á” của DHL đã chỉ ra 4 yếu tố chính sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của vận tải đường bộ.
Thứ nhất, dịch vụ cung cấp. Dịch vụ vận tải đường bộ có hai loại chính. Vận chuyển hàng lẻ không đầy xe tải (LTL) là hình thức thuê một phần công suất của xe tải, chung chi phí vận chuyển với các công ty có cùng nhu cầu vận chuyển. Cách thức này đảm bảo khách hàng chỉ phải trả tiền cho không gian mà họ sử dụng. Ngược lại, vận chuyển hàng nguyên xe tải (FTL) là khi khách hàng thuê toàn bộ một xe tải, dành riêng cho việc vận chuyển hàng hóa của mình từ điểm xuất phát đến điểm đến.
Lợi thế chính của vận tải đường bộ đến từ cơ sở hạ tầng rộng lớn và không bị hạn chế của các tuyến đường, điều mà các phương thức vận chuyển khác không có. Trong vận tải nội địa, mạng lưới đường bộ tất nhiên là hệ thống cơ sở hạ tầng vận chuyển lớn nhất. Khác với các phương thức như cảng, sân bay hay ga tàu, vận tải đường bộ không phụ thuộc vào các trung tâm logistics cụ thể, giúp tiếp cận hầu như mọi điểm đến có thể tới được bằng đường bộ.
Hệ thống đường bộ phát triển tốt cũng tạo điều kiện lên kế hoạch lộ trình hoặc các điểm dừng trung gian linh hoạt. Sự linh hoạt thể hiện qua việc cho phép các tuyến đường có thể thay đổi và mở rộng nhanh chóng khi có yêu cầu. Các yêu cầu vận chuyển đột xuất cũng có thể được đáp ứng dễ dàng, vì đường bộ có thể được sử dụng bất cứ lúc nào mà không cần phải đăng ký hay đặt chỗ trước.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng. Mạng lưới đường bộ có thể được coi là những tuyến giao thông quan trọng nhất đối với khu vực nội địa Đông Nam Á, nhờ có mạng lưới xe tải rộng lớn nhất và không phụ thuộc vào các trung tâm vận tải như sân bay hay cảng biển. Tuy nhiên, chất lượng đường xá lại rất khác nhau, không chỉ giữa các quốc gia mà còn trong chính từng quốc gia.
Báo cáo năm 2019 của ESCAP về kết nối giao thông ở châu Á và Thái Bình Dương cho thấy cơ sở hạ tầng đường bộ dọc theo mạng lưới Đường cao tốc châu Á ở Đông Nam Á có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia thành viên. Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore được đánh giá có cơ sở hạ tầng đường bộ tốt nói chung. Trong khi đó, tại các quốc gia kém phát triển hơn trong khu vực như Campuchia, Lào và Myanmar, chất lượng đường kém chiếm từ 60% đến hơn 80% tổng chiều dài mạng lưới đường cao tốc châu Á trong phạm vi lãnh thổ của các quốc gia này.
Ngay cả những quốc gia như Việt Nam, mặc dù dự định hoàn thành hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam dài 2.000 km nối liền biên giới phía Bắc với miền Nam vào năm 2025, cũng nhận thức được rằng vẫn có nhiều việc cần phải làm hơn nữa. Thủ tướng Việt Nam cho biết trong thập kỷ này, Việt Nam cần phải xây dựng gần gấp bốn lần số lượng đường cao tốc so với hai mươi năm qua.
Thứ ba, Chính phủ và chính sách. Báo cáo chỉ ra rằng, thực tế Chính phủ đóng vai trò kiến tạo chính sách để mở ra cơ hội cho những ai biết nắm bắt. Lào, như đã đề cập ở trên, có hơn một chục khu kinh tế đặc biệt (SEZs), dành ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp trong việc lưu trữ và vận chuyển, đồng thời cung cấp dịch vụ một cửa khi làm các thủ tục giấy tờ. Tương tự, được thúc đẩy bởi sự phát triển của Hành lang Kinh tế Đông, Thái Lan cũng đang mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế và nâng cấp 10 đặc khu kinh tế SEZs sẵn có dọc biên giới, cải thiện hạ tầng giao thông và thủ tục hải quan.
Những chính sách này tạo ra cơ hội vàng để thông luồng vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Các sáng kiến như Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) hứa hẹn giảm thiểu thủ tục giấy tờ hơn nữa. ASEAN đã và đang triển khai nhiều nỗ lực tiếp cận để hỗ trợ khối tư nhân tận dụng tối đa các đề án này, đồng thời giải quyết các vấn đề tồn đọng trong vận tải.
Hiện tại, bức tranh toàn cảnh còn khá phức tạp. Mỗi quốc gia lại có các yêu cầu riêng về việc cho phép xe tải vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Điều này đồng nghĩa với việc vận tải đường bộ qua nhiều biên giới đòi hỏi các doanh nghiệp vừa phải có kế hoạch trước nhưng cũng khéo léo ứng biến linh hoạt.
Thứ tư, tính bền vững. Theo kết quả của báo cáo, ở ASEAN, một số quốc gia đã có sự thay đổi trong lĩnh vực vận tải bền vững. Tuy nhiên, việc phối hợp trên toàn khu vực vẫn chưa được thực hiện. Indonesia có các mục tiêu về nhiên liệu sinh học, trong khi các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam lại có các kế hoạch quốc gia liên quan đến mục tiêu vận tải xanh cho từng quốc gia.
Việc chuyển đổi sang xe tải không phát thải có thể giúp tiết kiệm 2,8-3,8 tỷ tấn mét (gigaton) CO2 tích lũy đến năm 2050. Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đơn vị công bố động thái này, đã thừa nhận một số thách thức: đơn vị vận chuyển phải chọn đúng tuyến để triển khai sớm, nhà sản xuất xe phải đảm bảo họ có đúng loại xe tải, và chính phủ cần có cơ sở hạ tầng và lộ trình rõ ràng cho xe tải đường bộ không phát thải.
Việc triển khai cơ sở hạ tầng có thể sẽ không gặp phải thử thách lớn bằng việc triển khai xe tải điện. Hiện tại, xe điện chưa thể đi thẳng một chuyến dài, chẳng hạn như quãng đường 1.830 km từ Singapore đến Bangkok. Một pin cho xe tải điện hiện tại chỉ có thể hoạt động được từ 300 đến 400 km, sau đó sẽ cần sạc trong ba hoặc bốn giờ, như vậy sẽ tốn gấp đôi thời gian vận chuyển của một chiếc xe tải thông thường. Tuy nhiên như đã nêu trên, thách thức lớn nhất trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng là thiếu các trạm sạc - vấn đề nhức nhối mà các khu vực khác, bao gồm cả châu Âu cũng đang phải đối mặt.
Ông Thomas Tieber - Giám đốc điều hành DHL Global Forwarding châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, mặc dù tình hình chuỗi cung ứng đang dần ổn định sau đại dịch, thị trường vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn và biến động. Từ những căng thẳng địa chính trị đến tình trạng ùn tắc tại các cảng, hệ thống vận tải hàng không và đường biển đang bị quá tải. Điều này có nghĩa gì đối với tương lai của vận tải đường bộ? Viễn cảnh vẫn khả quan.
Trong khi các Chính phủ đang nỗ lực cải thiện và xây dựng các tuyến đường bộ và cao tốc an toàn hơn, chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào việc giúp khách hàng khai thác tối đa mạng lưới giao thông trong khu vực.
“Sự hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á nằm ở chỗ chúng tôi có thể kết hợp vận tải đa phương thức và nó giúp thị trường tiếp tục phát triển. Đường bộ là một phần rất quan trọng trong giải pháp đó”, ông Thomas Tieber chia sẻ.