[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính

Nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hùng 17/02/2019 12:00

Có những hành trang chúng ta để lại dọc đường, nhưng có những hành trang cần mãi mang theo như một lời nhắc nhở. Để chúng ta thêm trân quý hòa bình và ấm lòng người đã ngã xuống.

Lịch sử có những khúc quanh của nó. Gác lại quá khứ nhưng chúng ta tuyệt nhiên không thể lãng quên xương máu của biết bao chiến sĩ đã đổ, bao cuộc đời đã hy sinh cho đất nước. Nhắc đến những bi tráng của chiến tranh cũng là để chúng ta cảnh giác trước mọi rủi ro, bất trắc có thể xảy đến với đất nước và nhân dân mình.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng tại nghĩa trang liệt sĩ  Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang.

Mọi người hay dùng câu “ám ảnh về cuộc chiến” hay “kí ức về một thời hoa lửa” để biểu đạt cho cảm xúc của người lính sau chiến tranh. Nhưng với tôi, một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang), thì những từ ngữ đó như là chưa diễn đạt hết nỗi lòng.

Tôi dùng hình ảnh này để so sánh, một con người luôn phải mang vác trên vai những hành trang cần thiết cho quãng đường đời của mình. Những thứ đồ ấy có thể phải bỏ lại để mình đi chặng tiếp. Những thứ ấy bỏ lại dọc đường ấy được nhớ lại, được kể lại thông qua những kí ức, những ám ảnh, có sâu nặng hay không tùy thuộc vào cảm xúc mình trải qua quãng đường đời ấy.

Còn hành trang trên vai ba năm mà người lính giữ đất Vị Xuyên mang vác thì đến giờ vẫn còn nặng trên vai, không thể bỏ xuống được, vẫn song hành cùng chúng tôi. Cảm xúc của những trận đánh, những gian khổ hy sinh bị dồn nén đến cùng cực, để rồi từ một trạng thái tinh thần đã chuyển sang khối vật chất đè nặng lên vai người lính trở về.

...
Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất
Người trở về ăn, sống, ở ra sao?

(Bình độ 400 - Nguyễn Mạnh Hùng)

Đã là chiến tranh, dù lớn hay nhỏ cũng cùng chung một đặc thù, đó là hy sinh mất mát. “Đồi thịt băm” – Đồi 772. “Lò vôi thế kỉ” – Cao điểm 685. “Cửa tử” – Ngã ba Thanh Thủy…. còn nhiều địa danh khác nữa, chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ cho ta thấy sự khốc liệt của mặt trận Vị Xuyên. Vị Xuyên là một chiến trường ác liệt, chiến tranh còn kéo dài mấy năm sau 79. Bỗng nghe ai đó nhắc tới một cái tên cùng tên với đồng đội ngã xuống cũng khiến tôi nao lòng.

Những lần xem bắn pháo hoa, khi tiếng đầu nòng phát ra thì không khác gì một trận cối 60 sắp chụp xuống mình năm xưa. Cố kìm cũng không ngăn nổi những hàng nước mắt tràn ra. Nhiều ngày rền rĩ tiếng đạn pháo khiến những người lính Vị Xuyên phải mang âm thanh ấy đến tận bây giờ. Nhân ngày kỉ niệm 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc, cố gạt đi những câu chuyện hy sinh mất mát, tôi muốn kể lại những chuyện vui vui một chút cho nhẹ lòng.

                    Thăm lại chiến trường Vị Xuyên năm xưa.

- Mặc dù đã hơn ba tháng thao trường, cũng làm quen với đồi dốc nhưng lần đầu tiên lên chốt, cao điểm 812, leo được lưng chừng thì cơ bắp tôi nhão ra như nắm bông gặp nước. Phải chống tay xuống bò như con thú bốn chân. Đơn vị lên đỉnh, củng cố hầm hào công sự xong, không thấy hai thằng lính phố đâu mới cho người xuống đón.

- Thằng Đạo quê Vĩnh Phú, lần đầu lên 812, gặp pháo, nó nhao vào hầm nhưng ngồi ngoài. Thằng Bình ngồi trong đánh rắm, thằng Đạo tưởng pháo rít đẩy mọi người nhao tiếp vào trong. Vậy mà thằng Đạo không trở về. Nó hiền lắm.

- Đào hào trong 1100. Mưa tầm tã, 24/7. Mặc quần áo dính bết vào người khó chịu, lính mình khiêu khích ông trời bằng cách cũng 24/7 không quần áo. Sao ngày ấy không thằng nào nhìn thằng nào, cứ tự nhiên như được khoác bộ quần áo hoàng đế.

- Ngày ấy mình đã có ý định xem người lính nằm tránh pháo, tránh đạn thế nào, có giống phim không mà không thể thực hiện được.

- Một lần anh Ảm (người Thái), B trưởng 12 ly 7 ôm một bó “rau” đi qua hầm mình. Mọi người hỏi rau gì. Rau cải rừng (trông giống rau cải thật). Mọi người xin một ít nấu canh ăn. Hôm sau anh Ảm xuống hỏi, chúng mày vẫn sống à? Tao nhổ ở rừng, biết rau gì đâu. Ít ngày sau, chính anh Ảm cũng phải tìm thứ rau ấy để ăn (vì vận tải không lên được, cả tuần chỉ có muối trắng làm thức ăn)

- Cũng dạo ấy, chốt ở khe núi, chống đánh luồn sâu của địch nên có thể nấu ăn được. Hôm ấy 22 tháng 11 năm 1987, hầm mình kiếm được bữa rau rừng. Đang ăn chiều ở ngoài cửa hang (chắc khoảng 2 giờ, vì hôm ấy mù trời) thì bị pháo quây. Trận địa tan hoang. Sau trận pháo, nồi rau vẫn còn nguyên. Chỉ tội bụi đất hất vào không ít. Tiếc của, ngấy lên cho đất lắng xuống, ăn tiếp.

Qua cuốn tiểu thuyết “Mộ đá ngang lưng trời”, tôi viết về đồng đội sau đúng ba mươi năm trận chiến Vị Xuyên kết thúc có giải thích hai hiện tượng không biết có đúng?

Một lần hành quân chiếm lĩnh trận địa đúng vào lúc đêm tối mịt mùng, bàn tay giơ trước mặt cũng không nhìn thấy. Và mưa xối xả. Trước mặt tôi có ai và khoảng cách bao xa, không thấy. Đường dưới chân tôi dẫn tới đâu, chưa một lần đi đâu sao biết được. Đôi chân cứ bước mải miết. Và đến khi có tiếng người lao xao thì dừng lại. Đúng nơi tập kết của đơn vị. Tôi gọi đó là linh giác của người lính đã dẫn lối.

Có thể bạn quan tâm

  • 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH

    40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH

    05:35, 17/02/2019

  • Chiến tranh biên giới phía Bắc - những dấu mốc không quên

    Chiến tranh biên giới phía Bắc - những dấu mốc không quên

    20:33, 17/02/2017

  • Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979

    Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979

    17:15, 17/02/2017

Khi súng đã nổ, chỉ huy hô xung phong, bước chân người lính chỉ biết lao lên phía trước. Với người lính giữ chốt Vị Xuyên, tôi gọi đó là danh dự tiềm ẩn trong mỗi người lính trỗi dậy.

Chuyện người lính kể không bao giờ hết. Những hình ảnh của đồng đội vẫn song hành với cuộc đời tôi. Song hành khiến tôi thấy cuộc đời thật cần thiết phải gắn kết tình người với nhau. Song hành để tôi thấy tự hào, chúng tôi đã góp phần giữ vững biên cương Tổ Quốc.

Hơn ba mươi năm, cảnh vật thay đổi nhiều. Những “Lò vôi thế kỉ” khi xưa giờ màu xanh đã phủ kín đá trắng. “Đồi thịt băm” đã vàng óng màu lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang. “Thung lũng tử thần” đã có nhà văn hóa, ủy ban xã tề tựu. Cảnh vật thật thanh bình. Tôi ngồi tựa lưng vào cột mốc 261 bên cửa khẩu Thanh Thủy lắng nghe tiếng sông Lô chảy rì rào.

Xương cốt đồng đội tôi còn nằm ở nơi nao?

Trên đồi cao, gió vẫn vi vu thổi, cây cành xanh lá vẫn sinh sôi chồi non lộc biếc...

Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1962 tại Văn Lâm, Hưng Yên. Hiện ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Văn học Công nhân; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hải Phòng. Ông nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang tại Trung đoàn 754, Sư 314.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO