Bất động sản Việt Nam đang chịu tác động lớn từ các xu hướng phát triển của thế giới, tuy nhiên bất động sản Việt Nam có thể phát triển bền vững khi tập trung vào phân khúc bình dân.
Tại hội thảo “Chiến lược phát triển bất động sản” diễn ra mới đây, ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam cho biết trong tương lai bất động sản Việt Nam sẽ chịu tác động lớn từ 5 xu hướng chính.
5 xu hướng chính
Xu hướng thứ nhất có sự tác động lớn đó chính là xu hương dịch chuyển của các nhà đầu tư tới các căn hộ dành cho người thu nhập trung bình và thấp, hay nhà ở xã hội bởi đây là phân khúc có nhu cầu thực về căn hộ.
Dẫn chứng về nhu cầu của khách hàng trong dòng sản phẩm căn hộ bình dân, giá rẻ, ông Stephen Wyatt cho biết tại TP.HCM, hiện nay tính tỷ lệ căn hộ có 17 căn hộ/1.000 dân và đây là con số thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác cùng khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, giá bán căn hộ/thu nhập trung bình vẫn còn khá thấp.
Xu hướng thứ hai là sự gia tăng của các căn hộ nhỏ và siêu nhỏ. Khoảng 10 năm trước đây, các dự án nhà cao tầng xây dựng căn hộ 2 phòng khoảng 120 mét vuông nhưng hiện không còn căn hộ nào 2 phòng mà trên 100 mét vuông. Như vậy, nhu cầu về kích thước căn hộ của bên mua và bên phát triển đã thay đổi. Do đó, chúng ta sẽ thấy các căn hộ sẽ ngày càng nhỏ hơn và đặc biệt ở trung tâm thành phố.
Thứ ba, là xu hướng phát triển bất động sản theo thành phố tích hợp hay các khu đô thị mới tích hợp, hình thức này đã phát triển trong khoảng 9 năm trở lại đây. Ví dụ như Phú Mỹ Hưng đã xây dựng cách đây khoảng 20 năm, đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, cảnh quan, đô thị và đã mang lại lợi tức dài hạn. Đầu tư bài bản vào cảnh quan, tổng thể, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì các nhà phát triển bất động sản mới hưởng quả ngọt.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 11/12/2018
12:00, 10/12/2018
04:16, 10/12/2018
Thứ tư là sự xuất hiện của các công ty công nghệ, ngày càng nhiều. Các công ty công nghệ đang dần xuất hiện tại Việt Nam và đây là một điều rất tốt, cho thấy Việt Nam đang đi lên trong chuỗi giá trị bất động sản. Xét về cầu, Việt Nam đang vươn lên so với nhiều quốc gia khác trong khu vực về tốc độ phát triển không gian văn phòng cho thuê.
Xu hướng tiếp theo tác động đến bất động sản Việt Nam là xu hướng thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng ảnh hưởng lớn nhất đến bất động sản trong những năm tới đây. Nhận định này xuất phát từ lý do mật độ điện thoại di động của Việt Nam hiện nay đã đạt tới mức 84%, đồng nghĩa với việc 84% dân số có tiếp cận với Internet thông qua điện thoại di động. Hàng trăm nghìn người Việt Nam đang mua sắm trực tuyến và dù chưa lớn, tỉ lệ này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản theo hình thức bán lẻ truyền thống.
Cùng với đó là tác động từ cơ sở hạ tầng được nhận định sẽ trở thành thách thức lớn nhất, đòi hỏi có sự đầu tư lớn. Môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng mức độ dễ dàng trong kinh doanh vẫn chưa tốt. Bên cạnh đó, quy trình xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan được cho vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện.
Ngoài ra, vị thế du lịch cũng như sự phát triển của khách du lịch quốc tế lẫn nội địa sẽ khiến cung phòng khách sạn gia tăng rõ ràng. “Việt Nam cần cải thiện hạ tầng hàng không, thị thực để tiếp tục duy trì tăng trưởng du lịch”, ông Stephen Wyatt lưu ý.
Hai điểm nghẽn
Ngoài những xu hướng chính tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai, tại hội thảo các chuyên gia cũng trình bày những điểm nghẽn mà bất động sản Việt Nam đang gặp phải.
Cụ thể, ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết điểm nghẽn thứ nhất hiện nay là về nguồn vốn cho thị trường.
Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước là khoảng 17% -18% và đến tháng 6/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Nhiều thông tư được đưa ra khiến các ngân hàng siết chặt tín dụng, điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ người dân do thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh.
Điểm nghẽn thứ hai của thị trường bất động sản là khó khăn về thủ tục hành chính. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng nhằm mục đích làm trong sạch bộ máy, minh bạch hóa bộ máy công quyền, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm trong thời gian việc qua.
Tại hội thảo, đưa ra cái nhìn toàn diện về thị trường bất động sản Việt Nam ông Nam cho rằng, nhìn chung thị trường bất động sản đang tăng trưởng tốt cả về nhu cầu và thanh khoản. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường đang có những khó khăn về nguồn vốn, thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp xử lý kịp thời để gỡ khó cho thị trường, giúp thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.