Kinh tế

5 yếu tố tác động đến thị trường thép Việt Nam

Đình Đại 12/10/2024 04:20

Bất chấp sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc, thị trường thép Việt Nam vẫn có sự hồi phục tích cực về nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

thep.jpg
Thị trường thép Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực về nhu cầu trong nước và xuất khẩu - Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thép xây dựngđược tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Thị trường tôn mạ năm nay khá khởi sắc nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ đạt gần 2,4 triệu tấn, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường tôn mạ thuận lợi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cán nguội đẩy mạnh tiêu thụ thép chính phẩm và gia công theo.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam đã chỉ ra 5 yếu tố sẽ tác động đến thị trường thép của Việt Nam, cụ thể: Thứ nhất, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện nhờ nhu cầu hồi phục. Tình hình thép hồi phục trở lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng và nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước. Ngành thép nói riêng và ngành bất động sản nói chung đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.

“Chúng tôi kỳ vọng sản xuất thép trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường bất động sản. Bộ ba Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với sự đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2026”, Shinhan Việt Nam đánh giá.

Thứ hai, giá thép nội địa tăng trở lại theo xu hướng giá thép Trung Quốc. Giá thép nội địa giữ ở mức ổn định trong 9 tháng năm 2024 (13.500 – 14.000 VND/kg), là vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại. Nguyên nhân là do: Nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế suy giảm; Giá thép trong nước đi cùng xu hướng với giá thép của thế giới khi tình hình bất động sản tại Trung Quốc diễn biến tiêu cực. Song, giá thép nội địa đã tăng gần 500 đồng/kg trong tháng 9/2024 cùng với đà tăng của giá thép Trung Quốc, khi Chính phủ nước này đưa ra các chính sách quyết liệt hơn để “vực dậy" thị trường bất động sản.

thep1.jpg
Giá thép nội địa tăng trở lại theo xu hướng giá thép Trung Quốc.

Thứ ba, tình hình xuất nhập khẩu hoạt động mạnh mẽ trong 8 tháng năm2024. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép Việt Nam tăng trưởng tích cực, đạt 8,88 triệu tấn, tăng 20,7%, trong đó thép xây dựng và tôn mạ tăng trưởng lần lượt 34% và 47%. Nhập khẩu sản phẩm thép của Việt Nam đạt khoảng 10,75 triệu tấn, tăng 35,5% so với cùng kỳ.

Về xuất khẩu, EU và ASEAN là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm lần lượt 26% và 25% trên tổng lượng xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng đạt 1,04 tỷ USD, tăng 83,5% so với cùng kỳ. Về nhập khẩu, Trung Quốc dẫn đầu lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam, đạt 7,23 triệu tấn, tăng 59,3%, chiếm 67% tổng sản lượng nhập khẩu. Lượng sắt nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, đe dọa đến thị trường tiêu thụ sắt thép trong nước.

Thứ tư, thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam đe dọa đến sự hồi phục của các doanh nghiệp trong nước. Trước diễn biến suy yếu của thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc bị suy giảm nặng nề. Nguồn cung vẫn duy trì ở mức cao đã tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp thép Trung Quốc, điều này buộc các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩuđể bù đắp cho nhu cầu thiếu hụt. Áp lực tiếp tục gia tăng khi Mỹ và EU tiến hành tăng mức áp thuế lên thép Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép Trung Quốc buộc phải chuyển sang các thị trường khác như một giải pháp thay thế. Trong vòng 2 năm qua, sản lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng lên gần như gấp đôi từ mức 3,76 triệu tấn trong năm 8 tháng năm 2022 lên mức 7,23 triệu tấn trong 8 tháng năm 2024. Điều này đe dọa đến thị trường tiêu thụ thép trong nước.

Thứ năm, áp lực của thép nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ giảm dần. Công ty Chứng khoán này kỳ vọng lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ sụt giảm do những triển vọng như: Chính sách tiền tệ của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế qua đó hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Các doanh nghiệp thép tại Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực trong việc tìm nguồn tiêu thụ thay thế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất thép làm tăng giá thép và giảm sản lượng thép xuất khẩu sang các quốc gia khác, do các doanh nghiệp giảm áp lực cạnh tranh và không phải tìm thị trường thay thế nhu cầu thâm hụt trong nước. Cùng với đó, chính sách ngừng sản xuất thép cây tiêu chuẩn cũ từ ngày 25/09/2024 sẽ tiếp tục làm sản lượng của quốc gia này giảm.

Ngoài ra, kỳ vọng kết quả điều tra chống bán phá giá theo Quyết định số 1985/QĐ-BCT (dự kiến có kết quả trong tháng 11/2024) sẽ giảm bớt lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào Việt Nam, qua đó giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
5 yếu tố tác động đến thị trường thép Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO