Nghiên cứu - Trao đổi

Hóa giải “nguy cơ” cho ngành thép - Bài 3: Cần nâng cao vai trò của hàng rào thuế quan

Gia Nguyễn 08/01/2025 09:00

Để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, cũng như bảo vệ giá thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao vai trò của hàng rào thuế quan đối với mặt hàng thép hình chữ H.

Theo đó, sau Quyết định số 3098/QĐ-BCT liên quan đến việc giảm thuế chống bán phá giá một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc (Jinxi) từ 22.09% xuống 13.38%, thị trường thép hình chữ H Việt Nam càng trở nên đáng báo động.

bieu-do-thep-chu-h-xuat-xu-tran-vao-thi-truong-viet-2.jpg
Sau Quyết định số 3098/QĐ-BCT liên quan đến việc giảm thuế chống bán phá giá một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp nội địa đang phải đối diện với nguy cơ ngày càng lớn

Thực tế cho thấy, sản lượng thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ ngay lập tức tăng lên. Thậm chí các nhà thương mại kinh doanh thép hình chữ H nội địa trước đây nay cũng bắt đầu chuyển hướng nhập khẩu thép hình H Trung Quốc nhằm tối ưu hóa lợi nhuận từ nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ. Từ đó, ngành sản xuất và kinh doanh thép hình chữ H nội địa đứng trước rủi ro cực lớn với lượng hàng tồn kho cao (hàng thép hình chữ H sản xuất trong nước) khi nhu cầu trong nước liên tục ảm đạm trong thời gian qua.

Không chỉ phải đối phó với hàng nhập khẩu giá rẻ với chất lượng nhiều khi chưa được kiểm định rõ ràng từ Trung Quốc, từ đầu năm 2024, xu hướng nhập khẩu tăng dần của dòng thép hình chữ H từ Nhật Bản đã và đang làm dấy lên nhiều lo ngại và thách thức cho thị trường thép hình nội địa.

Số liệu cho thấy, Nhật Bản ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu thép hình chữ H vào Việt Nam qua từng năm. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận lượng nhập khẩu tăng mạnh mẽ từ nước này, với số lượng lên đến gần 12 nghìn tấn, tăng 498% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có khoảng 90% là các kích thước mà ngành sản xuất trong nước có thể đáp ứng, tăng phi mã 705% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá nhập khẩu từ Nhật Bản cũng giảm đáng kể qua từng năm.

11.jpg
Trước xu hướng tăng dần thép hình chữ H nhập khẩu từ Nhật Bản, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp cũng như thị trường trong nước

Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cũng cho hay, để bảo vệ các doanh nghiệp cũng như thị trường, Việt Nam nên cân nhắc các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp đối với các sản phẩm thép hình chữ H từ Nhật Bản?

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an ninh nguồn vật liệu chiến lược và phát triển bền vững, việc bảo vệ nhà sản xuất trong nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi một lần nữa, ngành sản xuất trong nước lại đang đứng trước những rủi ro cao đe dọa bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến từ những quốc gia như Trung Quốc và Nhât Bản. Chỉ có tạo ra và duy trì môi trường cạnh tranh công bằng, chính phủ Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước cũng như xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển độc lập và bền vững của ngành xây dựng Việt Nam. Việc xúc tiến khởi kiện hành vi bán phá giá thép hình chữ H đến từ JFE (Nhật Bản) là điều cần thiết nhằm tìm kiếm sự bảo vệ của các cơ quan ban ngành chức năng Việt Nam đối với các sản phẩm trong nước.

Thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty PYVina cho biết, nhờ có biện pháp chống bán phá giá của Bộ Công Thương, thép hình chữ H của ngành sản xuất trong nước đã góp phần không nhỏ trong việc cung ứng thép chất lượng cao cho các dự án trọng điểm quốc gia. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, việc gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế hay chất lượng thép thấp có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí xây dựng của các dự án trong nước và các rủi ro tiềm tàng về sau.

PYVina sẽ không chỉ đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương) tiến hành rà soát lại vụ việc AD03 đối với sản phẩm Thép H của Trung Quốc (đặc biệt từ nhà sản xuất Jinxi) mà còn đề xuất khởi xướng vụ việc mới chống bán phá giá (Anti dumping) với các sản phẩm Nhật Bản (từ nhà sản xuất JFE) có lượng nhập khẩu gần đây gia tăng.

“Công ty Cổ phẩn Thép Posco Yamato Vina sẽ đề nghị cơ quan điều tra xem xét cẩn trọng thông tin, dữ liệu do PYVina cung cấp tới đây, tính đến sự phức tạp trong cấu trúc sản xuất và bán hàng của các nhà nhập khẩu (Jinxi. JFE etc) để có tính toán hợp lý, phản ánh đúng bản chất của việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra sang Việt Nam. Đồng thời, cân nhắc vai trò của ngành sản xuất trong nước trong việc đáp ứng việc cung ứng sản phẩm kịp thời chất lượng cao ở thị trường trong nước, nhất là cho các công trình trọng điểm quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và quyền lợi của ngành sản xuất, người tiêu dùng Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Đồng thời bày tỏ, việc cơ quan quản lý Nhà nước duy trì sự bình đẳng, phát triển lành mạnh của thị trường thép sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thép hình cán nóng trong nước mạnh dạn dầu tư phát triển những sản phẩm khác, tránh phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu nước ngoài.

Được biết, trước sự đe dọa của các mặt hàng thép chữ H giá rẻ xâm nhập, để giảm thiểu thiệt hại cho đại lý cũng như bảo vệ giá thị trường trong nước, đại diện ngành thép hình chữ H trong nước, Công Ty Cổ Phần Thép Posco Yamato Vina, đã liên tục ra thông báo tăng giá dù trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm.

Theo các chuyên gia, đây là một bước đi quan trọng và cần thiết để giá thị trường trong nước được bảo vệ và các nhà xuất khẩu Trung Quốc (Jinxi) không đạt được mục đích phá hủy thị trường Việt Nam, làm tê liệt ngành thép trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hóa giải “nguy cơ” cho ngành thép - Bài 3: Cần nâng cao vai trò của hàng rào thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO