Trong bối cảnh nhu cầu thép trong nước vẫn đang ở mức thấp, việc hàng nhập khẩu vẫn liên tục tràn về đã gây không ít khó khăn cho ngành sản xuất, kinh doanh thép trong nước…
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm nay có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn phải đối mặt với không ít nguy cơ, trong đó có sự “xâm lấn” của hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và một số nước thời gian qua.
Trước những rủi ro tiềm ẩn như gián đoạn trật tự thị trường và an toàn cho người sử dụng, Chính phủ Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu giá thấp từ Trung Quốc để bảo vệ thị trường và ngăn chặn cạnh tranh giá không lành mạnh, tuy nhiên, dòng sản phẩm thép hình chữ H từ Trung Quốc với giá thấp vẫn tiếp tục tăng.
Thực tế cho thấy, từ hơn 37.000 tấn năm 2022, lên đến hơn 55.000 tấn năm 2023, thì chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, mức nhập khẩu của loại thép này đã đạt mức 72.000 tấn.
Dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc không chỉ làm rối loạn trật tự thị trường của Việt Nam, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong nước. Và sản lượng bán thép hình chữ H (sản xuất trong nước) của Công ty Cổ phần Thép Posco Yamato Vina (PYVina) được cho là ví dụ điển hình khi liên tục giảm xuống còn 208.000 tấn vào năm 2022, 195.000 tấn vào năm 2023 và 39.000 tấn trong quý I/2024.
Đáng nói, sự sụt giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi số liệu thống kê từ doanh nghiệp này cho thấy, tình hình kinh doanh quý III/2024 đã giảm 19% so với quý II/2024 và dự kiến tình hình quý IV sẽ còn khó khăn hơn nếu nhu cầu thép hình H không cải thiện, cũng như nguồn hàng nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn về.
Không chỉ phải đối phó với hàng nhập khẩu giá rẻ với chất lượng chưa được kiểm định từ Trung Quốc, từ đầu năm 2024, xu hướng nhập khẩu tăng dần của dòng thép hình chữ H từ Nhật Bản đã và đang làm dấy lên nhiều lo ngại và thách thức cho thị trường thép nội địa.
Số liệu cho thấy, Nhật Bản ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu thép hình chữ H vào Việt Nam qua từng năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận lượng nhập khẩu tăng mạnh mẽ từ đất nước này, lên đến hơn 10.000 tấn, tăng 811% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 90% là các kích thước mà ngành sản xuất trong nước có thể đáp ứng, tăng phi mã 1,184% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá nhập khẩu từ Nhật Bản cũng giảm đáng kể qua từng năm.
Ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, sản lượng thép hình chữ H từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh, đạt gần 13.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 267% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng các kích thước ngành sản xuất trong nước có thể đáp ứng, con số cũng đáng báo động với tổng lượng hơn 11.000 tấn, tăng 390% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, thép hình chữ H xuất xứ từ Hàn Quốc được chuyển sang thép hợp kim bổ sung Boron để tránh thuế suất 10%.
Vừa qua, ngày 20/11/2024, đại diện ngành sản xuất thép hình trong nước (PYVina) đã có Công văn gửi đến Hiệp hội Thép Việt Nam trình bày thực trạng đáng lo ngại của ngành sản xuất trong nước cũng như những thiệt hại nặng nề mà ngành đang phải gánh chịu.
Hiện tại, tình hình khó khăn này còn đáng báo động hơn khi sau Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 25/11/2024 của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành Thông báo về việc “Điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với nhóm công ty Jinxi trên cơ sở rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá thép hình chữ H xuất xứ Trung Quốc (nhóm công ty Jinxi) đã giảm mạnh từ 22.09% xuống còn gần 13.38%, sau yêu cầu rà soát lần 2 của nhóm công ty Jinxi.
Trước thực tế này, ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp thép trong nước đang rất cần những biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời để bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, để họ tiếp tục được tạo điều kiện công bằng duy trì sự tồn tại của ngành thép hình chữ H trong nước, cũng như có động lực để tiếp tục phát triển một trong những ngành công nghiệp quan trọng, then chốt trong các dự án trọng điểm Nhà nước, hướng tới sự trường tồn vững mạnh của quốc gia.