Tâm điểm

50 năm thống nhất đất nước: Nửa thế kỷ - một vận đơn lịch sử

Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) 25/04/2025 11:27

Vận đơn cuối cùng của hãng tàu APL chở hàng từ Mỹ đến Sài Gòn tháng 4 năm 1975 là chứng tích sống động của thời khắc lịch sử, nơi giao thoa giữa logistics và vận mệnh quốc gia.

Trong không khí của những Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhớ lại thời điểm cách đây nửa thế kỷ, khi đó tàu biển chở hàng đến các cảng ở miền nam Việt Nam, trong đó có Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) chưa kịp trả hàng cho người nhận hàng trước ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) phải tuân theo quy định của chế độ mới về việc trả hàng cho người được phép nhận hàng mà không thực hiện theo nghiệp vụ thông thường về vận đơn.

Theo đó, nhiều ngân hàng của chế độ cũ là người nhận hàng thuộc vận đơn theo lệnh (to order bill of lading) không còn được phép “ký hậu” (endorse) như đã định để chuyển nhượng vận đơn - chứng từ sở hữu hàng hóa và là một trong những chứng từ quan trọng nhất trong vận tải biển, mua bán, bảo hiểm, mà buộc phải "ký hậu" theo chỉ định cơ quan có thẩm quyền của chế độ mới.

ong ngo khac le
Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Ví dụ tiêu biểu là vận đơn cuối cùng của tàu biển President Jefferson thuộc hãng tàu American President Lines (APL) của Mỹ chở hàng từ Mỹ đến Sài Gòn trong tháng 4 năm 1975 phản ánh rõ rệt sự thay đổi chủ quyền và cơ chế pháp lý. Vận đơn như chứng nhân cho 50 năm thống nhất đất nước với nhiều thay đổi của lĩnh vực hàng hải cũng như ngành logistics Việt Nam.

Ảnh màn hình 2025-04-23 lúc 10.49.38
Ảnh màn hình 2025-04-23 lúc 10.49.38
Bản sao Ảnh màn hình 2025-04-23 lúc 10.49.38
Vận đơn cuối cùng của tàu biển President Jefferson thuộc hãng tàu American President Lines (APL) của Mỹ chở hàng từ Mỹ đến Sài Gòn trong tháng 4 năm 1975.

Cụ thể, một số nội dung của vận đơn bao gồm: Tên tàu biển: "President Jefferson" (Tổng thống Jefferson - một tổng thống Mỹ), cảng bốc hàng: "New York", cảng dỡ hàng: "Saigon", vận đơn ký ngày 5/3/1975 tại New York (vận đơn nhận để bốc), ngày hàng thực bốc lên là 21/3/1975 (xem dấu hình chữ nhật có ghi "validated").

Tàu đến cảng Sài Gòn trong khoảng nửa cuối tháng 4 năm 1975. Người giao hàng là "Interose Corporation Inc. 12 [...] Ave. of the Americas, New York, N.Y.", người nhận hàng là "Theo lệnh của Ngân hàng thương mại quốc tế Trung Hoa" (Order of: The International Commercial Bank of China), địa chỉ thông báo (Notify Party/Intermediate Consignee): "Huynh Ngoc My Cong ty "My Tok", 46, Bui - Chu, Sai Gon, So. Vietnam". Hàng hóa là 88 kiện phốt phua kẽm (zinc phosphide) sản xuất tại Mỹ.

Đặc biệt, trên vận đơn có 3 dòng chữ nhỏ ở phần gần giữa vận đơn in quy định của Mỹ: "Luật của Mỹ cấm đưa những hàng hóa này đến các nước trong khối Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Triều Tiên, những khu vực do cộng sản Việt Nam, Cu ba kiểm soát, hoặc nam Rô-đê-di-a trừ phi được Mỹ cho phép". Cụm từ “những khu vực do cộng sản Việt Nam” đã được nhắc đến trong quy định “cấm” của vận đơn nhưng cuối cùng đã không thể thực hiện đúng bởi khi tàu cập bến ở Sài Gòn chính quyền đã trao về cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phần viết tay phụ phí trên vận đơn dòng hai có ghi "war risk" - phụ phí chiến tranh thu trên giá trị hàng hoá vào khu vực có chiến sự nhưng không ngờ sự kiện giải phóng miền Nam 30/4/1975 đến nhanh quá.

Do đó, ngân hàng thương mại quốc tế Trung Hoa đã buộc phải “ký hậu” chuyển nhượng vận đơn theo quyết định của tổ chức có thẩm quyền thuộc Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định như sau: "Sau khi thanh toán mọi chi phí, yêu cầu giao hàng theo lệnh của "Tổng Công ty Vận tải Ngoại Thương" (Vietnam Foreign Trade Transport Corporation". Chữ "Transport" lẽ ra phải viết là "Transportation" mới đúng với tên bằng tiếng Anh của Tổng Công ty này nhưng đây là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Ngoại thương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ nên họ có toàn quyền xử lý lô hàng (ký hậu bỏ trống - endorsed in blank, hoặc ra lệnh tiếp - ... to the order of...) mà không cần sửa chính tả từ này.

Như vậy, tờ vận đơn của APL trở nên đặc biệt khi việc nhận hàng không theo chuyên môn, nghiệp vụ vì thay đổi chế độ chính trị. Điều này rất hiếm gặp vì việc thay đổi, chiến thắng là bất ngờ, rất nhanh, tàu không lường trước được để coi cảng dỡ hàng là vùng có chiến sự để áp dụng các điều khoản về chiến tranh để không đưa tàu vào cảng mà có thể đến cảng khác.

Cùng với đó, vận đơn gốc này lẽ ra phải do hãng tàu giữ sau khi trả hàng cho người nhận hàng nhưng hãng tàu của Mỹ nên có thể do lo sợ mà phải trả hàng theo lệnh của chính quyền mới, không cần thu hồi vận đơn và rời đi nhanh chóng.

Cách trình bày, chi tiết trên vận đơn cũng đã cho thấy sự khác biệt rất nhiều so với vận đơn ngày nay.

Và đặc biệt hơn cả, mấy chục năm sau đó, cũng chính hãng tàu APL này đã quay lại Việt Nam sau cấm vận, đưa tàu trở lại cảng Sài Gòn. Đây là một trong những hãng tàu container và dịch vụ logistics hàng đầu thế giới, có trên 170 năm lịch sử, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đến nhiều nước trên thế giới với lịch trình đều đặn.

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-2025), bản giấy của bản gốc vận đơn này (the original bill of lading) được người viết tìm thấy trong một kho giấy tờ, tài liệu chuẩn bị thanh lý tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã tái hiện lịch sử về cách trình bày, chi tiết của một vận đơn cách đây nửa thế kỷ với việc ký hậu vận đơn thú vị và là minh chứng hiếm hoi của một vận đơn độc nhất vô nhị trong lịch sử hàng hải Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
50 năm thống nhất đất nước: Nửa thế kỷ - một vận đơn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO