Riêng 6 tổ chức tín dụng được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu (gồm Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank) tính đến 30/11/2017 đã được xử lý là 20,44 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đã thực hiện rà soát toàn bộ các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu có kết quả.
Báo cáo đánh giá sơ bộ bước đầu cho thấy, đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39.9 ngàn tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Trong đó, riêng 6 tổ chức tín dụng được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu (bao gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, ACB, Sacombank, Techcombank) tính đến 30/11/2017 đã được xử lý là 20,44 ngàn tỷ đồng (bằng 51,3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống).
Được biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42, ngành ngân hàng đã cho triển khai mạnh nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 19/7/2017, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 42 trong đơn vị của mình với lộ trình thực hiện cụ thể bảo đảm tính khả thi, kịp thời.
Một ngày sau đó, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN, quy định cụ thể các biện pháp, trách nhiệm mà NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC cần thực hiện để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058 (Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020).
Để từng bước hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 năm 2013 về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với Nghị quyết 42. NHNN cũng đã có công văn gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Nghị quyết 42.
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai thực hiện và quán triệt Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống.
NHNN cũng cho biết, quá trình triển khai cũng còn một số khó khăn nhất định. Một số bộ, ngành chưa ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Nghị quyết 42 nên chưa có sự triển khai đồng bộ cũng như phối hợp từ các ngành, các cấp. Chưa kể, các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay. Một số cơ quan chức năng ở nhiều nơi chưa phối hợp, chưa tham gia cùng ngân hàng vì chưa có hướng dẫn để phân công trách nhiệm.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra…