Tâm điểm

6 xu hướng định hình bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam năm 2025

Nguyễn Như Dũng, Giám đốc Điều hành, Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia 09/01/2025 02:06

Với mức độ tác động lớn như hiện tại, AI có thể sẽ vượt qua cả điện toán đám mây và thậm chí là Internet về tầm quan trọng trong vai trò là một yếu tố định hình lại công nghệ.

mr.-nguy-n-nhu-dung.png
Ông Nguyễn Như Dũng, Giám đốc Điều hành,
Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trong năm vừa qua, bối cảnh kinh doanh đã trải qua những biến chuyển mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải xem xét lại mô hình hoạt động của mình. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi này chính là sự phát triển của AI tạo sinh (Generative AI) - công nghệ đang thống trị thế giới kinh doanh và dần xuất hiện nhiều hơn trong các bản chiến lược cập nhật, báo cáo tài chính và gần như mọi hoạt động giao tiếp với các bên liên quan.

Với mức độ tác động ở quy mô lớn như hiện tại, AI có thể sẽ vượt qua cả điện toán đám mây và thậm chí là Internet về tầm quan trọng trong vai trò là một yếu tố định hình lại công nghệ. Điều này có tác động sâu sắc đến cách các doanh nghiệp giải quyết vấn đề như khoảng cách kỹ năng hiện nay cũng như hành trình phát triển bền vững và đảm bảo yếu tố bảo mật cho doanh nghiệp của họ.

Dưới đây là sáu xu hướng chính mà chúng tôi dự đoán sẽ định hình bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2025.

AI tiếp tục là tâm điểm chú ý nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức thực tế

Đã hơn một năm kể từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành chủ đề nổi bật trong thế giới kinh doanh. Áp lực triển khai AI đang ngày càng tăng khi tất cả các doanh nghiệp tham gia khảo sát trong Chỉ số Sẵn sàng AI 2024 của Cisco đều cho biết việc triển khai các giải pháp AI trong năm qua đang trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.

Khi các doanh nghiệp bắt đầu hành trình ứng dụng AI, họ nhận thấy rằng việc tận dụng AI không đơn giản như họ tưởng. Chỉ có 22% các công ty tại Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng để nắm bắt và khai thác tiềm năng của AI bởi chính thực tế đã chứng minh đâu là yếu tố cần thiết để tiến tới thành công. Mặc dù AI là một khoản đầu tư được ưu tiên nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho biết lợi ích thu được từ những khoản đầu tư này chưa đạt được như kỳ vọng.

Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng với các khoảng cách trong khả năng tính toán, hiệu suất mạng trung tâm dữ liệu, an ninh mạng và các yếu tố khác. Chỉ có 38% các công ty sở hữu GPU cần thiết để đáp ứng nhu cầu về AI ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, và 39% có khả năng bảo vệ dữ liệu trong các mô hình AI bằng mã hoá đầu cuối, kiểm toán bảo mật, giám sát liên tục và phản ứng tức thì trước các mối đe doạ.

Khi các công ty cân nhắc quyết định tự phát triển hay mua các giải pháp AI, việc hiện đại hoá các trung tâm dữ liệu và tận dụng cơ sở hạ tầng AI với khả năng hoạt động ngay khi được kết nối (plug-and-play), có thể phát triển theo nhu cầu mà không cần cấu hình phức tạp thêm là điều rất quan trọng. Chẳng hạn, AI PODS của Cisco cung cấp bộ giải pháp cơ sở hạ tầng đầy đủ gồm nhiều lớp, được tuỳ chỉnh cho từng trường hợp sử dụng AI cụ thể, tích hợp tính toán, mạng, kho lưu trữ và quản lý đám mây. Điều này giúp các công ty có một điểm khởi đầu linh hoạt, dễ dàng điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của mình.

Khi AI trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, việc thiết lập các quy tắc bảo vệ và quản trị dữ liệu sẽ trở thành lĩnh vực trọng tâm

Khi các hệ thống AI ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào cuộc sống hàng ngày, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc sử dụng AI có trách nhiệm, tuân thủ, bảo vệ dữ liệu, và luật chống phân biệt đối xử và các tiêu chuẩn chất lượng AI.

Sự hợp tác giữa khu vực công và tư sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy định cơ bản nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao độ an toàn của AI. Các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ đối mặt với áp lực ngày càng tăng để triển khai các khung pháp lý giúp tăng cường khả năng giải trình của các hệ thống AI và giải quyết các vấn đề về đạo đức cũng như thông tin sai lệch phát sinh từ việc sử dụng AI mà không cản trở đổi mới sáng tạo. Các công ty sẽ cần áp dụng khuôn khổ AI có trách nhiệm, tiến hành đánh giá quyền riêng tư định kỳ và xây dựng cũng như triển khai một kế hoạch quản trị sự cố đủ mạnh để đảm bảo việc sử dụng AI một cách thận trọng và đúng đắn.

Bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư là một yếu tố quan trọng khác trong quản trị AI.

cisco-image-2.png
Tương lai của công việc sẽ không phải là sự lựa chọn đơn giản giữa con người và máy móc, thay vào đó, cả hai sẽ cùng tồn tại để hoàn thành công việc.

An ninh mạng sẽ phát triển theo quy mô của máy móc và các hạ tầng mạng không chỉ có sứ mệnh kết nối mà còn phải bảo vệ mọi thứ

Các hạ tầng mạng sẽ không chỉ được sử dụng để kết nối. Khi ngày càng nhiều thiết bị và dịch vụ được kết nối, rủi ro và mức độ tinh vi của các cuộc tấn công cũng tăng lên. Chẳng hạn, các cuộc tấn công lừa đảo qua mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn khi lượng thông tin mà mọi người chia sẻ trực tuyến trên các nền tảng ngày càng lớn. Các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng cũng trở thành mối lo ngại do mạng lưới phức tạp của các nhà cung cấp công nghệ mà nhiều doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động của họ. Bên cạnh đó, những tiến bộ trong các lĩnh vực như điện toán lượng tử sẽ càng làm phức tạp thêm bối cảnh này. Tất cả những yếu tố này sẽ thúc đẩy an ninh mạng chuyển sang quy mô của máy móc.

Hạ tầng mạng sẽ trở thành một trụ cột quan trọng trong việc quản lý khối lượng công việc và đồng thời đóng vai trò là tuyến phòng thủ an ninh đầu tiên và cuối cùng. Điều này sẽ càng trở nên quan trọng khi tội phạm mạng thực hiện các cuộc tấn công di chuyển ngang (lateral movement) - phương thức tấn công bằng cách lợi dụng một điểm vào (entry point) để xâm nhập sâu hơn vào phần còn lại của mạng và các hệ thống tổ chức.

AI cũng sẽ thay đổi cách thức bảo mật, hỗ trợ các nhóm an ninh và đơn giản hoá việc quản lý công cụ, nâng cao hiểu biết của con người và tự động hoá các quy trình làm việc phức tạp.

Các doanh nghiệp sẽ cần sự hỗ trợ để cân bằng giữa tính bền vững và sự tăng trưởng trong kỷ nguyên của AI

Cuộc đua AI sẽ tiếp tục tăng tốc dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng cao hơn, ảnh hưởng đến lượng khí thải carbon trên mọi phạm vi. Đến năm 2027, chỉ riêng việc sử dụng AI được dự báo sẽ tiêu thụ lượng nước tương đương với New Zealand. Trong một thế giới mà các mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không và giảm thiểu khí thải đang trở thành ưu tiên hàng đầu, các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp để cân bằng giữa các mục tiêu bền vững và cơ hội tăng trưởng mà AI mang lại.

Để đạt được sự cân bằng này, các doanh nghiệp sẽ không ngừng tìm kiếm các đối tác có thể cung cấp sản phẩm và giải pháp tiết kiệm năng lượng hoặc hỗ trợ họ áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn phù hợp với lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng không. Chính AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hoá hiệu quả cho các doanh nghiệp. Chúng tôi dự đoán AI sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về mạng lưới năng lượng, ở đó có sự kết hợp các năng lực của mạng SDN (Software-defined Network), và hệ thống điện được tạo thành từ các lưới điện vi mô một chiều (DC). Điều này sẽ nâng cao hiệu quả năng lượng, đồng thời cung cấp khả năng giám sát, phân tích và tự động hoá tốt hơn. Power over Ethernet là một giải pháp sáng tạo khác, cung cấp nguồn DC cho các thiết bị qua cáp đồng Ethernet, loại bỏ nhu cầu sử dụng nguồn điện và ổ cắm riêng biệt.

Những tiến bộ công nghệ trong vật liệu và quy trình thiết kế cũng đóng góp vào việc cân bằng giữa nhu cầu về tính bền vững. Các kiến trúc như chip Cisco Silicon One là ví dụ điển hình cho việc thực hiện các tác vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn với ít phần cứng hơn, giúp giảm tổng mức tiêu thụ điện năng và rác thải điện tử bằng cách kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Các chương trình thu hồi và tái sử dụng cho phép các công ty trả lại phần cứng đã hết thời hạn sử dụng sẽ trở nên quan trọng.

Con người và AI sẽ cùng tồn tại trong lực lượng lao động thế hệ tiếp theo

Tương lai của công việc sẽ không phải là sự lựa chọn đơn giản giữa con người và máy móc, thay vào đó, cả hai sẽ cùng tồn tại để hoàn thành công việc. AI sẽ phát triển từ việc chỉ hỗ trợ các nhiệm vụ đến việc trở thành một phần không thể thiếu trong lực lượng lao động tương lai, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng ở nhiều vai trò khác nhau. Sự thiếu hụt nhân tài trong ngành công nghệ là một vấn đề rất thực tế và ngày càng trở nên cấp bách khi dân số ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Châu Á đang già hoá. Tuy nhiên, áp lực này phần nào sẽ được giảm bớt khi ngày càng có sự đa dạng trong nhóm dân số tham gia vào lực lượng lao động cũng như xu hướng di chuyển của các nhân tài ngày càng cao.

Một môi trường làm việc phát triển sẽ dựa vào giá trị mà văn phòng mang lại cho công việc và nền tảng niềm tin mà nó xây dựng

Việc trở lại văn phòng nên là một sự hấp dẫn, không phải là một yêu cầu bắt buộc. Khi chúng ta hình dung về tương lai của công việc, đó sẽ là một tương lai được hỗ trợ bởi công nghệ, nơi các vai trò công việc tiếp tục phát triển song song với những tiến bộ công nghệ, giống như sự chuyển đổi từ máy fax sang email và giờ đây là khả năng kết nối từ bất kỳ đâu. Công việc sẽ diễn ra trong các không gian hỗ trợ công nghệ và mọi người sẽ tự nhiên tìm kiếm sự linh hoạt mà công nghệ mang lại cho cuộc sống cá nhân lẫn thói quen làm việc của họ. Sự thay đổi này sẽ đặt ra câu hỏi về giá trị mà văn phòng vật lý mang lại cho công việc.

Khi nhân viên thay đổi tư duy từ việc đến văn phòng để làm việc chăm chỉ sang coi đây là cơ hội kết nối, đổi mới và cộng tác với nhóm của mình thì người sử dụng lao động cần tạo ra một môi trường hỗ trợ hình thức làm việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
6 xu hướng định hình bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO