620 doanh nghiệp bất động sản phá sản trong 8 tháng qua

DIỆU HOA 05/09/2020 03:45

Chỉ trong 8 tháng đầu năm, 620 doanh nghiệp bất động sản đã phá sản và 923 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, chiếm tỷ lệ tăng cao nhất trong tất cả ngành nghề.

Nhiều khách hàng của dự án Smile Định Công - Hoàng Mai phải rao bán cắt lỗ căn hộ vì COVID - 19

Chính sách chưa "thấm"

Cụ thể, theo Báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020, 620 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoàn tất giải thể, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất với 923 doanh nghiệp, tăng 136,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các lĩnh vực liên quan như dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng có tới 589 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác với 566 doanh nghiệp.

Bất động sản là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 8 tháng qua

Ngoài ra, thống Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho thấy, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành giảm sút lên đến gần 90%; phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất. 

Theo các chuyên gia, bất động sản có sự tác động mạnh mẽ đến tình hình chung của nền kinh tế. Theo thống kê GDP của năm 2019, riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS đóng góp 4,5% GDP, dịch vụ lưu trú thì cộng thêm 3,8% GDP, cộng xây dựng thêm 5,84% GDP. Tính chung lại, BĐS và các ngành nghề liên quan đóng góp khoảng 17% GDP.

Đặc biệt, BĐS có tính lan tỏa rất lớn, có liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, bao gồm các ngành trọng điểm như du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng.

Từ đầu năm tới nay, hàng loạt các giải pháp được Chính phủ đưa ra các giải pháp, chính sách kịp thời để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch hiệu quả, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, hay gần nhất là Nghị quyết số 91/NQ-CP.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản đã được hưởng các gói hỗ trợ như giãn nộp thuế, tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất...

Hay các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, bổ sung nhiều quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, giải quyết các điểm chồng chéo trong luật, gỡ ách tắc thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách này chưa đủ mạnh để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, trong những tháng qua, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ thủ tục pháp lý dường như chưa thực sự ngấm được vào thị trường. Mỗi một chính sách, chủ trương, quyết định cần nhiều thời gian. Tại Việt Nam, soạn thảo 1 văn bản thường mất từ 3-5 tháng và có lẽ cần thời gian tương đương nữa để đi vào được cuộc sống.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng cũng cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời điểm này là rất cần thiết nhưng việc tiếp cận là điều không dễ dàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất và bất động sản sau khi biết thông tin đã chủ động liên hệ với các tổ chức tín dụng ngân hàng để làm việc nhưng đều nhận được những câu trả lời chung như: Chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa thể hỗ trợ…

Thay đổi để thích nghi

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến mọi giao dịch ngưng trệ, vấn đề khủng hoảng pháp lý vẫn còn đó cộng với sự lệch pha cung cầu dẫn đến hệ quả nếu doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính thì nguy cơ rời khỏi thị trường rất cao.

Theo ông Lê Trọng Khương - Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land, đây là lúc doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp tái cơ cấu danh mục đầu tư, tiết kiệm chi phí hoặc thậm chí chấp giảm giá để bán được hàng, giữ dòng tiền. 

Khi đưa ra sản phẩm mới, để đảm bảo dòng tiền, doanh nghiệp bắt buộc phải cơ cấu lại danh mục các dự án đã công bố theo hướng rút gọn lại, đưa ra các dự án phù hợp như nhà ở hợp túi tiền. Bên cạnh đó là tính toán lại các phương thức thanh toán để người mua có thể trả.

Ông Khương cho biết hiện doanh nghiệp đang tính toán để tiến độ thanh toán giãn ra mỗi kỳ thanh toán ít đi, đảm bảo mức thu nhập của người mua nhà có đủ khả năng đóng theo tiến độ, đảm bảo dòng tiền.

Đối với việc tái cơ cấu của các doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhận định để đảm bảo sự hấp thụ của thị trường, khi tái cơ cấu danh mục dự án, sản phẩm, các doanh nghiệp nên chú trọng vào các phân khúc có nhu cầu lớn hiện nay như BĐS nhà ở có giá phải chăng, BĐS khu công nghiệp, văn phòng cho thuê và các hoạt động tái cơ cấu nội bộ, đang dạng hóa nguồn vốn đầu tư từ các nguồn như FDI, phát hành trái phiếu...

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng nên đổi mới tư duy, nắm bắt nhu cầu mới của khách hàng, ngoài ra cũng tăng cường ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí.

Dù những khó khăn đặt ra là hiển hiện, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, với những chỉ dấu tương đối khả quan như nguồn vốn tín dụng vào BĐS 6 tháng đầu năm tăng 1,5%, vốn đầu tư FDI trong 7 tháng đầu năm vào BĐS đạt 2,8 tỉ USD và khoảng 86.000 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS đã phát hành thành công 6 tháng đầu năm thì nếu doanh nghiệp thay đổi tư duy, tìm “cơ hội trong nguy cơ”, thích ứng thì vẫn có cơ hội tồn tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường bất động sản công nghiệp và kho vận sẽ phục hồi nhanh chóng

    Thị trường bất động sản công nghiệp và kho vận sẽ phục hồi nhanh chóng

    07:00, 04/09/2020

  • Giá bất động sản lao dốc, tỷ phú số 1 Hong Kong bám trụ nhờ startup Mỹ

    Giá bất động sản lao dốc, tỷ phú số 1 Hong Kong bám trụ nhờ startup Mỹ

    05:26, 04/09/2020

  • Cẩn trọng mô hình góp vốn cổ phần từ bất động sản chia nhỏ

    Cẩn trọng mô hình góp vốn cổ phần từ bất động sản chia nhỏ

    06:10, 03/09/2020

  • Bất động sản công nghiệp: Không nhanh sẽ mất cơ hội

    Bất động sản công nghiệp: Không nhanh sẽ mất cơ hội

    04:00, 03/09/2020

  • Triển vọng phục hồi thị trường bất động sản: Lạc quan nhưng không chủ quan

    Triển vọng phục hồi thị trường bất động sản: Lạc quan nhưng không chủ quan

    05:00, 31/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
620 doanh nghiệp bất động sản phá sản trong 8 tháng qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO