Đầu tư (tiền bạc và năng lượng) của mình vào lĩnh vực nào? Đâu là thị trường của mình? Tại sao lại là thị trường đó? Đó là những câu hỏi sẽ tạo nên hoặc phá vỡ sự nghiệp kinh doanh của bạn.
Ý tưởng hay ho, đầy đam mê và lòng quyết tâm, thậm chí không thiếu vốn, nhưng vẫn có hơn 90% người khởi nghiệp phải dừng lại sau một thời gian rất ngắn, trong 1 - 3 năm sau khi bắt đầu.
Một trong những lý do mà hầu hết những người thất bại mắc phải là không tự hỏi, hoặc không có đáp án đúng cho câu hỏi “Tại sao mình làm điều này và người tiêu dùng có thực sự muốn điều đó không?”.
Để trả lời câu hỏi trên, người khởi nghiệp và nhà kinh doanh cần hiểu nhu cầu của thị trường và nắm bắt tâm lý của khách hàng. Và, theo các chuyên gia, tất cả đều bắt nguồn từ các nhu cầu cơ bản của con người.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Manfred Max-Neef nói rằng, mục đích cuối cùng của sự phát triển chính là sự thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người. Ông nhấn mạnh, đó không chỉ là nhu cầu mang tính cá nhân của con người, mà còn là nhu cầu của sự sống nói chung.
Theo ông, nhu cầu cơ bản của con người là như nhau trong tất cả các nền văn hóa và trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Điều này trái ngược với quan điểm truyền thống rằng nhu cầu của con người xuất hiện theo xu hướng và vì vậy sẽ thay đổi.
Cũng khác với quan niệm trước đây cho rằng con người có vô số nhu cầu và không giới hạn về mức độ. Theo Neef thì nhu cầu cơ bản của con người là hữu hạn, giới hạn về số lượng và phân loại.
Neef phân tích: Nhu cầu cơ bản là phần cốt lõi của con người, nó kết nối mong muốn hằng ngày của mỗi người với cách họ phản ứng với bên ngoài. Một khi nhu cầu cơ bản không được đáp ứng, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu. Ngược lại, khi một nhu cầu cơ bản được đáp ứng, cơ thể sẽ cảm thấy tốt và thích ứng với những tác động bên ngoài một cách dễ dàng.
Các chuyên gia phân loại nhu cầu cơ bản của con người thành 7 nhóm, gồm:
1- Sự an toàn: Không có nó, bạn cảm thấy lo lắng.
2- Sự vui vẻ: Không có nó, bạn sẽ chán.
3- Sự công nhận: Không có nó, bạn cảm thấy bị đánh giá thấp.
4- Sự kết nối: Không có nó, bạn cảm thấy cô đơn.
5- Sự thể hiện: Không có nó, bạn không thể diễn tả ý nghĩa của cuộc sống.
6- Kiến thức: Không có nó, bạn cảm thấy bế tắc.
7- Sự đóng góp: Không có nó, bạn không có sự hài lòng khi giúp đỡ ai đó.
Mức độ các nhu cầu này có thể khác nhau đối với từng cá nhân, tùy thuộc vào giai đoạn của cuộc đời, nền giáo dục mà họ lĩnh hội, lĩnh vực nghề nghiệp mà họ theo đuổi, và hệ giá trị mà họ tạo ra cho chính mình.
Chẳng hạn, các nghệ sĩ có thể nghiêng về nhu cầu thể hiện bản thân và sự kết nối, còn những người làm kinh doanh cần một động lực mạnh mẽ để thành công nên nghiêng về nhu cầu được công nhận, thể hiện bản thân và đóng góp.
Khi là doanh nhân, nếu không hiểu nhu cầu của bản thân, bạn sẽ không đủ động lực và năng lượng để dẫn dắt doanh nghiệp; không hiểu nhu cầu của thị trường, bạn có thể chọn sai sản phẩm hoặc thị trường mục tiêu. Thiếu một trong hai hoặc cả hai điều trên, doanh nghiệp của bạn khó lòng đi đường dài.
Nhà đầu tư quan tâm đến điều gì khi xem xét để quyết định đầu tư vào một dự án/công ty? Đầu tiên và trên tất cả, các nhà đầu tư mạo hiểm quan tâm đến năng lực và quyết tâm của nhà sáng lập. Nói cách khác, họ muốn thấy người khởi nghiệp có đủ năng lượng và ý chí để hiện thực hóa giải pháp mà mình đưa ra.
Để thuyết phục họ, người khởi nghiệp cần chứng minh rằng có một mối liên kết chặt chẽ giữa giá trị cốt lõi của công ty với nhu cầu của chính mình. Trả lời được một cách thuyết phục câu hỏi “Tại sao muốn phát triển sản phẩm/dịch vụ này?", người khởi nghiệp sẽ có cơ hội nhận được đầu tư.
Việc trước tiên là xác định nhóm nhu cầu nổi bật của riêng bạn. Bước tiếp theo là lập danh sách các thị trường mong muốn, sắp xếp chúng theo thứ tự các nhóm nhu cầu cơ bản của con người, và xem cái nào gần với nhu cầu nổi bật của bạn nhất.
Nếu nhu cầu chính của bạn là kết nối và thể hiện, thì bạn nên ưu tiên thị trường có nhóm khách hàng cũng đề cao các nhu cầu đó. Nếu bạn khao khát sự nhất quán trong cuộc sống, bạn nên quan tâm đến thị trường dành cho những người đang có công việc ổn định.
Đã xác định được nhu cầu của riêng mình và nhu cầu của thị trường, đến lúc bạn phải xác định giá trị của công ty bạn. Điều này sẽ giúp bạn thu hút những người cùng chí hướng, có chung mục tiêu và nhu cầu, để cùng nhau kiến tạo một nền văn hóa mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Việc xác định giá trị công ty rõ ràng cũng sẽ giúp tăng đáng kể tốc độ ra quyết định cũng như hiệu suất cho công ty khởi nghiệp của bạn. Rồi thì khách hàng sẽ là những người hưởng lợi từ mối liên kết chặt chẽ giữa nhu cầu của bạn, nhu cầu thị trường và giá trị công ty dưới dạng những trải nghiệm dịch vụ đáng kinh ngạc. Đó là con đường mang đến sự bền vững cho một doanh nghiệp.
Sau tất cả, chìa khóa để thành công cho một công ty chính là hiểu được nhu cầu của con người: nhu cầu của chính bạn, và nhu cầu của khách hàng.