Ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam đang đối mặt áp lực chuyển đổi số, cần đổi mới đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại công nghệ.
Trong bối cảnh làn sóng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trên toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đang đứng trước sức ép lớn trong việc đổi mới mô hình vận hành và tăng tốc thích ứng để không bị tụt lại phía sau. Việc học hỏi từ những mô hình thành công và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế đang trở thành một trong những cách thức hiệu quả nhất để các tổ chức tài chính nhanh chóng bắt kịp xu thế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động.
Trước thực tế đó, sự kiện Business Agility Summit 2025 diễn ra ngày 28/5 do Học viện Agile phối hợp cùng Techcombank và FPT Digital tổ chức, với sự đồng hành của VCCorp, Biplus và SAFe Inc., đã quy tụ các chuyên gia và nhà lãnh đạo chuyển đổi số trong nước và quốc tế, tập trung trao đổi về xu hướng chuyển đổi số, tác động của công nghệ và hành vi khách hàng trong ngành tài chính – ngân hàng, cùng những thách thức và giải pháp để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động.
Phát biểu tại sự kiện, TS Phan Thanh Đức, Trưởng khoa Công nghệ thông tin và Kinh tế số của Học viện Ngân hàng, nhấn mạnh rằng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đã trở thành xu hướng rõ nét trong những năm gần đây. Không chỉ thay đổi cách thức vận hành truyền thống, số hóa còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ thông qua sự phát triển của nền kinh tế API – mô hình giúp kết nối khách hàng và ngân hàng một cách linh hoạt và thuận tiện hơn. Ông cũng chỉ ra các trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm chiến lược tổng thể, cơ chế chính sách, hạ tầng công nghệ, sản phẩm dịch vụ và nguồn lực con người.
Đồng thời, TS Phan Thanh Đức cũng đề cập đến những thách thức còn tồn tại, như hệ thống công nghệ lạc hậu, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh và quy trình phát triển sản phẩm còn chậm, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải giải quyết để tiến tới mục tiêu nâng cao năng lực nguồn nhân lực và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tài chính trong tương lai.
Cùng quan điểm về sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, ông Dương Quốc Tú, Giám đốc Chuyển đổi của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), chia sẻ những trải nghiệm thực tế về xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam. Ông cho biết khách hàng, đặc biệt là nhóm trẻ sinh sống tại các đô thị lớn, ngày càng quan tâm và kỳ vọng nhiều hơn vào các dịch vụ ngân hàng số với trải nghiệm đơn giản, nhanh chóng và cá nhân hóa. Sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước cùng sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như AI là những yếu tố đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Tú cũng lưu ý rằng công nghệ dù có phát triển đến đâu thì việc xây dựng niềm tin và thấu hiểu nhu cầu khách hàng trên từng điểm tiếp xúc vẫn luôn là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công và bền vững trong dài hạn.
Ông Tú cũng nhấn mạnh vai trò của con người và văn hóa tổ chức trong tiến trình chuyển đổi số. Một đội ngũ đa dạng về độ tuổi, kỹ năng, có tinh thần chủ động và linh hoạt trong công việc sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực cho toàn bộ tổ chức. Việc trao quyền, giao tiếp thường xuyên và xây dựng môi trường làm việc cởi mở chính là những yếu tố giúp tăng cường sự gắn kết nội bộ. Đồng thời, sự ủng hộ từ lãnh đạo đối với các phương pháp làm việc linh hoạt như Agile (Phát triển phần mềm linh hoạt) cũng là yếu tố quan trọng để giúp tổ chức thích ứng nhanh và điều chỉnh kịp thời trong suốt hành trình chuyển đổi.
Ở góc độ khác, ông Dennis Khoo, nguyên Giám đốc Ngân hàng số TMRW (thuộc UOB), chia sẻ cách nhìn nhận tổng thể và thực tế về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Theo ông, chuyển đổi không đơn thuần là chạy theo công nghệ hay áp dụng các cải tiến riêng lẻ mà cần có tư duy tổng thể xuyên suốt toàn bộ tổ chức. Thay đổi phải diễn ra đồng bộ trên nhiều mặt, từ quy trình vận hành, thiết kế dịch vụ, đến con người và văn hóa làm việc. Ông cũng chỉ ra rằng những chi tiết tưởng nhỏ như cách tổ chức cuộc họp, vai trò của nhân sự tuyến đầu hay thiết kế trải nghiệm khách hàng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận hành và chi phí của tổ chức. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu một cách hợp lý không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí mà còn hỗ trợ dự báo, ngăn ngừa những vấn đề tiềm ẩn.
Tuy nhiên, ông Khoo cũng cảnh báo rằng nhiều tổ chức dễ thất bại do thiếu cái nhìn toàn diện, phòng ban hoạt động rời rạc và quá chú trọng tốc độ mà bỏ qua khâu thiết kế cẩn trọng. Thành công trong chuyển đổi số theo ông đến từ sự cân bằng giữa sáng tạo và kỷ luật, giữa tầm nhìn dài hạn và khả năng thích ứng nhanh chóng. Văn hóa tổ chức, nơi mọi người được khuyến khích đặt câu hỏi, phản biện và cùng nhau tìm giải pháp, được xem là nền tảng quan trọng không thể thiếu để đảm bảo hành trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả.
Có thể nói, dưới áp lực từ những thay đổi nhanh chóng của công nghệ và hành vi khách hàng, ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam cần chú trọng xây dựng đồng bộ chiến lược chuyển đổi số, từ cơ sở hạ tầng công nghệ đến nguồn nhân lực và văn hóa tổ chức. Sự kết hợp giữa đổi mới sáng tạo và sự linh hoạt trong cách thức vận hành sẽ là yếu tố then chốt giúp các tổ chức tài chính vượt qua thách thức, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh doanh ngày càng biến động.