Thời gian qua, các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Thúc đẩy sản phẩm lên thương mại điện tử
Mới đây, sàn thương mại điện tử (TMĐT) OCOP Quảng Ninh với tên miền http://ocopquangninh.com.vn đã hoàn thành thủ tục đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT với Bộ Công Thương và trở thành mô hình kinh doanh giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Sàn có nhiều tính năng, tiện ích mới, như: Tích hợp thanh toán trực tuyến, công nghệ bảo mật tốt, dễ sử dụng, dễ nhìn, đăng ký bằng nhiều hình thức zalo, facebook...
Cùng với hoạt động trên ứng dụng internet, sàn cũng đang được hoạt động trên cả 2 hệ điều hành ứng dụng di động phổ biến là Android và IOS. Điều này giúp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với dịch vụ hơn, phát huy được khả năng tương tác, đặt hàng nhanh chóng trong thời đại số.
Ông Lê Thái – Bạch Đằng (Hạ Long) chia sẻ: Thời gian qua , gia đình tôi toàn đặt hàng trực tiếp trên điện thoại và được giao hàng nhanh chóng, thanh toán tiện lợi. Khi sử dụng, tôi thấy dễ dàng sử dụng và được liên kết với nhiều ứng dụng khác để đăng ký rất thuận lợi. Đây sẽ là kênh bán hàng uy tín, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của Quảng Ninh vươn xa trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh cũng có các phụ trang là thuonghieuquangninh.gov.vn; qnitrade.gov.vn; fanpage Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương, là hệ thống các trang tin hỗ trợ giới thiệu các nông sản Quảng Ninh và các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành Công Thương Quảng Ninh, nhằm giúp người tiêu dùng có được thông tin chi tiết về sản phẩm và hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ninh. Các trang có sự liên kết hoạt động để nâng cao tính hiệu quả về mặt thông tin, từ đó giúp sàn có được chỗ đứng vững chắc trong tâm lý của người tiêu dùng.
Theo đại diện Công Ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thuỷ Sản Quảng Ninh - BAVABI Seafood, ngoài việc đưa sản phẩm tham gia các kỳ hội chợ, Công ty đưa toàn bộ sản phẩm của đơn vị lên Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh và một số sàn TMĐT khác như Postmart.vn, Voso.vn... So với trước đây, sản phẩm của Công ty đã đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn và phát triển được ở nhiều thị trường hơn. Điều này giúp cho doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tới người tiêu dùng trong thời đại số như hiện nay.
Hiện, Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh giới thiệu 580 sản phẩm của 250 doanh nghiệp, trong đó có 393 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Số lượng khách truy cập năm 2023 có hơn 132.025 lượt, năm 2024 là 118.291 lượt truy cập. Tất cả sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn TMĐT đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện sàn đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp với Bưu điện và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử của tỉnh bạn để kết nối tiêu thụ, như: Sàn TMĐT Thái Bình, Sàn TMĐT Bình Thuận…
Ông Hoàng Đức Khá - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh, cho biết: Tới nay, hệ thống Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh hoạt động ổn định, các sản phẩm được quảng bá trên sàn được đông đảo người dân biết, tin tưởng sử dụng. Ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP được quảng bá với đầy đủ các thông tin chi tiết về mẫu mã, giá niêm yết, xuất xứ, liên hệ nhà sản xuất... Nhiều thương hiệu trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, hàu sữa chưng thịt, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, nước mắm Cái Rồng, ruốc trai, ruốc hàu...
Thúc đẩy tiêu thụ
Thời gian qua, việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thương hiệu Nước mắm sá sùng Vân Đồn Vanbest thuộc Công ty TNHH MTV Newstar được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, không còn xa lạ với người tiêu dùng ở cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng 40.000 lít nước mắm.
Để đạt được kết quả đó, công ty luôn đầu tư thiết bị hiện đại, cải tiến bao bì sản phẩm. Đặc biệt, để tiếp cận khách hàng ngoài tỉnh, công ty đã xây dựng các kênh bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo và sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm. Theo bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Newstar, sau khi được tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số do địa phương tổ chức, đơn vị thấy đưa sản phẩm lên sàn thương mại và mạng xã hội dễ dàng và hiệu quả. Các sản phẩm của công ty đã tiếp cận với khách hàng ở các tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên... và doanh số năm sau luôn cao hơn năm trước.
Không chỉ riêng Công ty TNHH MTV Newstar, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện Vân Đồn như: Ruốc hàu, mắm tép, chả mực, nước mắm… được đẩy mạnh quảng bá, phân phối trên nhiều kênh online như website, sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok... Giá sản phẩm niêm yết rõ ràng, thông tin nguồn gốc xuất xứ dễ dàng được tra cứu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo bà Đặng Thị Thu Hồng, Phó trưởng Phòng NN&MT huyện Vân Đồn, hiện huyện có 53 sản phẩm OCOP, trong đó 41 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Các đơn vị, ngành chức năng địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người bán hàng xây dựng nội dung hấp dẫn, kết nối với khách hàng hiệu quả, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Các công ty, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện cũng bán hàng livestream trên các fanpage của huyện.
Theo đại diện HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến: Nhờ chuyển đổi số, sản phẩm OCOP 4 sao của HTX được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Ngoài các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, sản phẩm đã vươn tới một số tỉnh, thành khu vực miền Trung và miền Nam như Nghệ An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Sau khi áp dụng công nghệ bán hàng qua các nền tảng online, sản lượng bán ra của sản phẩm này đã tăng lên đáng kể, từ 12.000 đến 15.000 quả mỗi ngày. Đơn vị sản xuất cho biết thêm, việc tham gia các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội không chỉ giúp nâng cao lượng đơn hàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và thanh toán.
Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và các nền tảng trực tuyến khác, với mục tiêu kết nối sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc và quốc tế. Tổng cộng, có 560 sản phẩm OCOP của Quảng Ninh tham gia vào các sàn TMĐT, trong đó có 393 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao.
Quá trình chuyển đổi số này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi, mà còn nâng cao chất lượng quản lý và giao dịch. Đặc biệt, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hướng dẫn và hỗ trợ các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp trong việc xây dựng website, Facebook, email, và tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, phần lớn các chủ thể OCOP trong tỉnh đã sở hữu những kênh bán hàng online riêng, mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Theo ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh, có thể nói, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Đây là nền tảng, tạo bước đi bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường.
Đặc biệt là các chủ thể đã chủ động ứng dụng công nghệ trong các công đoạn sản xuất, chế biến, cũng như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR Code để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Chuyển đổi số đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường thế giới.