Với chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm địch từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng cụm cứ điểm để tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch.
>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Cách đánh này đã phát huy lợi thế của trận địa tiến công, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng với quy mô lớn, tiến hành “trói địch lại”, đánh “bóc vỏ”.
Đặc biệt, quân ta đã hạn chế được sở trường, thế mạnh của quân Pháp là pháo binh, máy bay và chiến hào. Đồng thời, khoét sâu vào những mặt yếu cơ bản của chúng là ý chí và tiếp tế bảo đảm vật chất-vốn là nhược điểm cốt tử của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nghệ thuật vây hãm và đột phá đã được bộ đội ta kết hợp hiệu quả trong chiến dịch. Vây hãm tạo điều kiện cho đột phá. Đột phá thắng lợi để vây hãm chặt hơn, đột phá có hiệu quả hơn, mạnh hơn, từng bước làm suy yếu quân địch cả về lực lượng và thế trận, tiến tới tổng công kích.
Với quan điểm thực tiễn, trên cơ sở thực tế chiến trường, ta đã vận dụng linh hoạt, liên hoàn các phương án tác chiến, từ chậm đến nhanh rồi lại về chậm và cuối cùng là chuyển sang tổng công kích giành toàn thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhưng khi quân ta thắng lợi liên tiếp, từng bước tạo ra thời cơ mới và tình hình địch đã rối loạn, suy sụp tinh thần thì ngay lập tức ta đã nắm lấy thời cơ mở cuộc tổng công kích tiêu diệt nhanh chóng toàn bộ quân địch.
>>Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân
>>Điện Biên phát triển du lịch bền vững
Bình luận về chiến thuật vây lấn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá, TS. Bùi Đình Tiệp, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng đây là một trong những cách đánh đặc sắc, sáng tạo có ý nghĩa quyết định góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
"Bởi, như chúng ta đã biết là toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo và được xây dựng hệ thống công sự trận địa hết sức kiên cố, vững chắc. Nếu chúng ta tiến công theo cách tiến công đồng loạt, đánh nhanh, thắng nhanh vào trung tâm, thì chắc chắn không thực hiện được mà thương vong sẽ rất lớn",Đại tá, TS. Bùi Đình Tiệp nói.
Chính vì vậy, quân ta đã sử dụng chiến thuật vây lấn. Bộ đội và các lực lượng của ta từ nhiều hướng đã được bố trí để cùng phối hợp với nhau khép chặt vòng vây bằng chiến thuật giao thông hào. Như chúng ta đã biết thì địch chỉ có một đường tiếp tế duy nhất là đường hàng không.
“Lúc đó, pháo phòng không của chúng ta đã có thể khống chế đường hàng không. Còn dưới đất, chúng ta lại đánh cắt sân bay. Như vậy, trong khi vòng vây của ta ngày càng siết chặt, địch thì bị cô lập và cuối cùng không còn lối thoát nào khác”, Đại tá, Tiến sĩ Bùi Đình Tiệp chia sẻ.
Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự khẳng định, cách đánh này vừa hạn chế được tổn thất cho bộ đội trước sức mạnh và lưới lửa dày đặc của hệ thống hỏa lực địch. Đồng thời, làm cho quân địch luôn ở trong trạng thái hoang mang, căng thẳng, lo sợ, không biết đối phương sẽ tiến công vào lúc nào và từ hướng nào.
“Để có thể vây hãm và lần lượt tiến công tiêu diệt từng mục tiêu, bộ đội ta đã thành công trong việc xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây chiến dịch”, Đại tá Trần Ngọc Long bày tỏ.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đánh giá, nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam. Một trong số đó có nghệ thuật sáng tạo đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ như là cách đánh "vây- lấn".
“Đây là một trong những sáng tạo mà từ thực tiễn của chiến trường Điện Biên Phủ chúng ta sáng tạo ra cách đánh này và đã phát huy rất hiệu quả”, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên khẳng định.
Tại lòng chảo Điện Biên Phủ, chúng ta không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến (dự kiến kéo dài trong 2 ngày 3 đêm) mà đã kịp thời thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
Với chiến thuật "vây, lấn tấn, triệt, diệt" ta đã tiến hành vây hãm dài ngày, triệt phá đường tiếp tế, xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm km giao thông hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện.
Vận dụng thành công chiến thuật "vây, lấn, tấn, triệt, diệt" cũng đã giúp tập trung được hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng... tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Có thể bạn quan tâm
15:36, 13/04/2024
08:53, 22/03/2024
13:56, 17/03/2024
11:22, 17/03/2024