70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

NGUYỄN VIỆT (tổng hợp) 16/04/2024 03:30

Nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể không nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự kiệt xuất với tư duy chiến lược vượt trội.

>>Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân đã đưa ra quyết định quan trọng, đó là chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.

Cuối năm 1953, sau khi thị sát Nà Sản đánh giá tình hình địch ở Ðiện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cân nhắc, đưa ra hai phương án: “Ðánh nhanh và đánh chắc” để phân tích.

Qua trao đổi, Trưởng và Phó Đoàn chuyên gia Trung Quốc là Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh đều chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, dùng mũi thọc sâu “tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn” và quyết định nổ súng vào 17h ngày 25/1/1954. Tất cả đều chuẩn bị nhanh chóng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhưng, với linh tính của một vị trướng và theo dõi sát tình tình thay đổi trên thực tiễn chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng trong khi các đơn vị đã sẵn sàng chờ lệnh.

Trong Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tôi cảm thấy như cả tháng đã trôi qua. Nhưng tính lại từ khi trao nhiệm vụ chiến đấu tới đó, chỉ mới có mười một ngày. Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”.

Đưa ra “quyết định lịch sử”, Đại tướng suy xét, phân tích tổng hợp lý luận và thực tiễn, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch. Quân đội Pháp đến thời điểm đó không còn ở trạng thái lâm thời phòng ngự như trước mà đã trở thành “tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố”, pháo đài “bất khả xâm phạm”.

Được trang bị vũ khí tối tân, có máy bay, xe tăng và đặc biệt pháo binh Pháp - binh chủng hàng thế kỷ thiện chiến dạn dày kinh nghiệm. Họ khảo sát tính toán kỹ sơ đồ, địa hình từng khoảng đất vùng núi lòng chảo Điện Biên Phủ. 

Về phía ta, khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, trong đó có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc về vũ khí đạn dược, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, không thể so sánh với xe tăng, máy bay, pháo binh, quân đội nhà nghề của thực Pháp tập kết ở Điện Biên Phủ cũng như lực lượng thường xuyên tăng viện cho pháo đài bất khả xâm phạm dưới lòng chảo Điện Biên...

Những thuận lợi và khó khăn, sự thành công và thất bại của chiến dịch hiện lên trước mặt Đại tướng, trong đó, ông luôn đặt lên trên hết tính mạng từng người lính, chiến sĩ trên chiến trường, không thể mạo hiểm, dốc toàn lực lượng quân đội “đánh nhanh, thắng nhanh”.

>>Điện Biên phát triển du lịch bền vững

>>Đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đặc biệt, nếu chúng ta “đánh nhanh, thắng nhanh” lúc này, càng tạo thêm thuận lợi, giúp thực dân Pháp thành công âm mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, giành thế thắng trên chiến trường. 

Vì vậy, trước giờ phút hệ trọng đi đến quyết định khai chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lời dặn của Bác: “tướng quân tại ngoại”, “trao cho chú toàn quyền quyết định”. 11 ngày “mất ăn, mất ngủ” và một đêm thức trắng với nắm ngải cứu thường trực trên đầu, Đại tướng đưa ra quyết định cuối cùng “đánh chắc, tiến chắc”, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng.

Với phương châm mới, thời gian mở chiến dịch lùi lại, giờ G được chọn bắt đầu nổ súng trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1954. Trải qua “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, dân tộc Việt Nam đã viết nên thiên anh hùng ca chiến thắng, Điện Biên Phủ trở thành sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Thượng tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng chia sẻ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch.

“Phương châm này thể hiện sự nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh”, Thượng tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa bày tỏ.

Vẫn theo Thượng tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự có nhiều cống hiến xuất sắc góp phần làm nên những chiến công vĩ đại không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không (năm 1972), Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới, nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự”, Thượng tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân

    08:53, 22/03/2024

  • Điện Biên phát triển du lịch bền vững

    13:56, 17/03/2024

  • Đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực

    11:22, 17/03/2024

  • Cơ hội phát triển du lịch Việt Nam và du lịch Điện Biên nhanh, toàn diện, bền vững

    00:39, 17/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO