100 phòng trọ có thể cần 3 quản lý, nhưng nếu sử dụng nền tảng công nghệ đồng bộ thì chỉ cần một người quán xuyến là đủ.
Lê Hoàng Nhật - nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Ami cho biết, dự án hướng đến người quản lý bất động sản cho thuê với số lượng hàng chục phòng, nhờ chức năng hệ thống hóa toàn bộ dữ liệu người thuê, giúp việc quản lý dễ dàng hơn và tiết kiệm nguồn lực nhân sự.
Hiện tại, ứng dụng bao gồm Ami Manager và Ami Citizen, có thể sử dụng trên hệ điều hành iOS và Android. Với Ami Manager, chủ nhà khởi tạo và quản lý tất cả thông tin của bất động sản, cư dân và thời hạn thuê. Ứng dụng giúp tạo và gửi hóa đơn điện tử đến từng phòng, gửi cả biên lai xác nhận sau khi người thuê thanh toán xong. Biểu đồ báo cáo tài chính sẽ khởi tạo tự động khi hoàn tất công việc quản lý trong tháng.
Hệ thống thông báo cho chủ nhà người thuê nào sẽ rời khỏi trong vòng 30 ngày tới, giúp công việc kinh doanh hiệu quả hơn. Mỗi sự cố của cư dân phản hồi cũng sẽ được thu thập và sắp xếp phân loại. Ứng dụng cũng cho phép chủ nhà và cộng đồng dân cư trò chuyện, kết nối qua tin nhắn.
Người thuê nhà sẽ dùng ứng dụng Ami Citizen để nhận hóa đơn, biên lai điện tử, cập nhật thông tin từ chủ nhà, thông báo sự cố bằng hình ảnh, phân loại chúng cùng một vài ghi chú cho quản lý nhà để được sửa chữa.
Nền tảng xây dựng dựa trên các công nghệ đang phát triển hiện nay như trí thông minh nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Big Data... Hiện công ty có 10 khách hàng sử dụng ứng dụng, quản lý 1.200 phòng và hơn 1.500 khách thuê.
Mức giá cài đặt ứng dụng cho người quản lý mỗi tháng là 19.000 đồng một phòng, đi kèm cả App cho cư dân và website Amirooms.com hỗ trợ đăng tin phòng cho thuê. Các gói giá cao hơn sẽ có nhiều dịch vụ cộng thêm.
Ý tưởng đến với Nhật khi tình cờ nghe nhóm bạn đang quản lý các phòng cho thuê không biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh với số lượng hàng trăm khách. Đa phần vẫn sử dụng nhân sự để giải quyết các công đoạn như đăng ký, theo dõi hóa đơn điện nước, tiền nhà, sửa chữa hư hỏng với khối lượng công việc ngày một nặng, kéo theo bài toán chi phí.
Nhật nhận ra nền tảng công nghệ có thể giúp giải quyết vấn đề này. Chàng trai 8x quyết định cùng hai người bạn thành lập Ami vào tháng 5/2016. Sau khi tiếp xúc với những người làm quản lý để lắng nghe tư vấn, tìm hiểu vấn đề, học hỏi nhu cầu của người chủ lẫn khách thuê, dự án đưa ra sản phẩm chính thức vào tháng 5/2017. Khách hàng đầu tiên nằm trong nhóm bạn làm quản lý của Nhật rồi thu hút nhiều chủ nhà khác tham gia nhờ quảng bá truyền miệng.
Những người sáng lập liên tục tiếp nhận ý kiến của chủ nhà, lựa chọn yêu cầu ưu tiên để nghiên cứu thực hiện, cải tiến sản phẩm. "Đến giờ mình cũng không nhớ rõ bao nhiêu lần nâng cấp sản phẩm, thử sai liên tục, thêm dần từng tính năng để đáp ứng nhu cầu của quản lý", Nhật chia sẻ.
Tháng 12/2017, nhận thấy tiềm năng của dự án, một tập đoàn đã quyết định đầu tư số tiền 200 tỷ đồng, dành cho việc phát triển sản phẩm.
Năm 2017, dự án giành giải nhất cuộc thi TechFest do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức và là một trong 30 đội xuất sắc nhất tại cuộc thi của sự kiện về khởi nghiệp công nghệ Slush tại Singapore. Công ty cũng nằm trong những startup nhận học bổng chương trình Global Accelerator Program (GAP) để tập huấn tại vườn ươm khởi nghiệp MaGIC tại Malaysia.
Chàng CEO 8x vốn đam mê khởi nghiệp từ sớm. Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa TP HCM, Nhật không đi tìm việc ở công ty nào mà thử sức khởi nghiệp trong 3 dự án về công nghệ và nhiều dự án nhỏ khác, nhưng chưa cái nào thành công.
"Nhiều trục trặc về quản lý dự án, sản phẩm, thị trường đã xảy ra, nhưng lớn nhất vẫn là về con người, khi các thành viên sáng lập bất đồng ý kiến và không biết cách quản lý nhân sự, dự án của mình phải dừng lại", Nhật lý giải về thất bại.
Đi dạy thêm toán để có chi phí "nuôi" những dự án của mình, mỗi tuần Nhật dành 30 tiếng cho việc gia sư, 40 tiếng cho dự án khởi nghiệp. Thời điểm năm 2015, lịch làm việc của anh kín mít khi dậy từ 5h30 đi bán súp cua và sữa đậu nành đến 9h, rồi làm startup công nghệ của mình đến chiều, dạy thêm và quản lý dự án quán cà phê đom đóm vào buổi tối đến tận khuya.
Khi thực hiện dự án Ami, Nhật vẫn duy trì công việc gia sư, trong khi hai đồng sáng lập cũng có công việc chính thức ở công ty khác, dành thời gian tối và cuối tuần xây dựng ứng dụng.
Nhật nhận xét dự án tiến triển tốt hơn nhờ kinh nghiệm thất bại lúc trước. So với những dự án trước, các đồng sáng lập trưởng thành hơn và giỏi chuyên môn kỹ thuật, Ami tập trung vào nhu cầu của khách hàng và đáp ứng nhanh chóng, chứ không mang tính cá nhân như khi tập thành khởi nghiệp. Từ 3 người, chỉ trong chưa đầy một năm rưỡi, thành viên công ty đã tăng lên 30 người.
CEO trẻ tuổi cũng tập trung xây dựng văn hóa công ty, tạo ra môi trường làm việc để mọi người gắn kết với nhau vì mục tiêu phát triển chung. "Quan trọng nhất vẫn là đội ngũ nhân sự. Đó là giá trị nền tảng để đưa một dự án startup đi đường dài", Nhật nhấn mạnh.
Trong năm 2018, đội ngũ dự định sẽ ra mắt thị trường nhiều sản phẩm mới. Đó là chiếc đồng hồ điện tử thông minh kết nối Internet với ứng dụng Ami Electricity, cho phép người dùng theo dõi, quản lý các thiết bị điện, kiểm soát lượng tiêu thụ điện năng, cảnh báo rủi ro sự cố, hướng tới sử dụng điện an toàn. Ứng dụng mới còn có công cụ thanh toán trực tuyến Ami Pay, tính năng Ami Hero kết nối với thợ đa năng, sửa chữa điện, nước, đồ gia dụng trong phòng khi có yêu cầu từ người thuê....
"Không chỉ dừng ở bất động sản, nền tảng có thể ứng dụng trong bất cứ lĩnh vực nào như y tế, giáo dục, giao thông hay nông nghiệp, giám sát an toàn thực phẩm... hướng tới phục vụ định hướng phát triển đô thị thông minh", chàng trai 8x khẳng định.