Đến ngày mùng 9 Tết, có 99,2% doanh nghiệp tại Hà Nội đã mở xưởng để sản xuất. Do thiếu đơn hàng, con số này ở ngành dệt may chỉ đạt 67,74%.
>>>Doanh nghiệp Thái Bình tăng tốc sản xuất ngay sau Tết
Từ ngày mùng 4 Tết Quý Mão, không khí sản xuất đã rộn ràng tại công ty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu. Là doanh nghiệp xuất khẩu với các mặt chủ lực là phụ tùng xe máy, ô tô cung cấp cho các hãng lớn như Honda, Toyota, Yamaha, Vmep và các mặt hàng cơ khí chính xác xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ,… nên ngày mùng 4 Tết Quý Mão, chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty đã rời cảng.
Tin vui đầu năm này đã tạo không khí phấn khởi, lan toả tinh thần lao động hăng say đến từng dây chuyền sản xuất và người lao động. Đến ngày mùng 6 Tết, theo ông Nguyễn Ngọc Chung - Tổng giám đốc công ty hơn 1.000 công nhân lao động đã đi làm đầy đủ và được lãnh đạo công ty mừng tuổi đầu xuân với mức 500.000 đồng/người.
Lãnh đạo công ty cũng chia sẻ thêm, năm 2022 dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 và kinh tế thế giới nhưng công ty vẫn sản xuất kinh doanh tốt, góp phần ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động ở mức trên 10 triệu/tháng (tăng 10% so với năm 2021). Dịp Tết Nguyên đán, ngoài tiền thưởng và quà tặng dành cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công ty đã tổ chức xe đưa đón gần 200 công nhân ngoại tỉnh về quê ăn Tết; những công nhân còn lại nhận hỗ trợ 300.000 đồng tiền xe/người.
Gần 3.000 công nhân của công ty TNHH Elentec Việt Nam (khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) đã có mặt tại nhà máy để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới Quý Mão vào mùng 6 Tết. Theo Ban Giám đốc công ty, là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện thoại, năm 2022, trước những tác động của dịch bệnh và kinh tế thế giới, hoạt đông sản xuất kinh doanh của công ty đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, công ty luôn chăm lo, nỗ lực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Dịp Tết Nguyên đán, để người lao động có thêm điều kiện đón Tết, ngoài thưởng Tết tháng lương thứ 13, công ty đã ứng trước nửa tháng lương. Ngày đầu tiên đi làm sau Tết, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như lì xì đầu năm; tổ chức bốc thăm trúng thưởng đầu năm với giá trị phần thưởng là hiện vật lên tới hàng chục triệu đồng.
So với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn hơn do đơn hàng giảm. Ngày 9 tháng Giêng, công ty CP dệt may Supertex chuyên sản xuất tất xuất khẩu mới khai xuân nhưng đã có 98% công nhân trở lại nhà máy.
Ông Lê Đại Quảng - Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: ảnh hưởng của kinh tế thế giới, năm 2022 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng công ty vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập cho 100% công nhân lao động, không để nợ lương, chậm lương. Dịp Tết Nguyên đán, người lao động nhận thưởng tháng lương thứ 13 và một phần quà Tết…
“Trước kì nghỉ Tết, nhiều công ty, doanh nghiệp lo sợ người lao động sẽ không quay trở lại làm việc nhưng ngày khai xuân, công nhân đã có mặt đầy đủ và làm việc hào hứng. May mắn, kế hoạch sản xuất trong tháng 1 và tháng 2 đảm bảo đủ việc làm cho người lao động” - ông Lê Đại Quảng cho biết.
Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, trong ngày 27/01/2023 (tức ngày 6 Tết Nguyên đán), đã có 83,24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 94,67% số lao động của các doanh nghiệp trên trở lại làm việc. Đến ngày thứ 2 - 30/01/2023 (tức ngày 9 Tết Nguyên đán), có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 97,8% số lao động trở lại làm việc. Riêng ngành dệt may, do các DN thiếu đơn hàng sản xuất nên đến nay có 67,74% doanh nghiệp mở cửa sản xuất, với 69,06% số công nhân quay trở lại làm việc.
Ngay từ ngày làm việc đầu tiên, người lao động đã tích cực đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm. Đặc biệt, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Hà Nội ổn định, không xảy ra vụ đình công, ngừng việc tập thể nào.
Có thể bạn quan tâm