Kinh doanh tiếp tục thua lỗ, cổ phiếu bị kiểm soát cộng với áp lực trả nợ trái phiếu đang là thách thức lớn đối với Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM).
>>>Doanh nghiệp xuất nhập khẩu khó khăn trước biến động tỷ giá ngoại tệ
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của AGM, tất cả các tờ trình của HĐQT AGM đã được cổ đông thông qua, nổi bật là các phương án bù đắp lỗ luỹ kế, phương án xử lý các gói nợ trái phiếu, kế hoạch kinh doanh năm 2024...
AGM đã công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu thuần gần 224 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ lợi nhuận từ hoạt động khác đạt gần 12 tỷ đồng đã bù đắp phần lỗ từ hoạt động kinh doanh (10,1 tỷ đồng). Kết quả, Công ty lãi ròng hơn 1,6 tỷ đồng, cải thiện hơn mức lỗ gần 29 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng kinh doanh thua lỗ 2 quý đầu năm nay, AGM lỗ ròng hơn 56 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ lỗ 35 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế tại cuối tháng 9 lên hơn 122 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tính hết quý 3, tổng tài sản của công ty đạt 1.590 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng nợ vay của công ty tăng lên mức 1.354 tỷ đồng, bằng 77% tổng nguồn vốn. Nợ phải trả của AGM cao gấp gần 6 lần vốn chủ sở hữu.
Do tình hình thua lỗ luỹ kế và chậm công bố thông tin, cổ phiếu AGM đã bị sàn HOSE đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tính đến phiên giao dịch ngày 8/11 cổ phiếu AGM chỉ còn 6.800 đồng/cp.
122 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế của AGM tính đến cuối quý 3/2023. Điều này đặt ra thách thức lớn với AGM.
Để tránh nguy cơ lỗ vượt vốn điều lệ, AGM đưa ra 2 phương án xử lý. Phương án 1 là phát hành hơn 12,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng, thời gian triển khai dự kiến trong năm 2023. Nếu thành công, AGM sẽ nâng vốn điều lệ từ gần 182 tỷ đồng lên hơn 307 tỷ đồng.
Phương án 2, sử dụng Quỹ đầu tư phát triển hơn 120 tỷ đồng và Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu hơn 5 tỷ đồng để bù đắp lỗ luỹ kế.
Theo ông Đỗ Minh Đức - Thành viên HĐQT AGM, HĐQT sẽ ưu tiên thực hiện phương án thưởng cổ phiếu và thực hiện sau khi được ĐHĐCĐ thông qua. HĐQT AGM sẽ dự thảo các hồ sơ và trình UBCKNN trong thời gian ngắn nhất, dự kiến nộp trong năm 2023. Trong trường hợp UBCKNN không phê duyệt thì AGM sẽ chuyển sang phương án 2 là sử dụng quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu để bù đắp lỗ lũy kế.
Được biết, AGM đã đầu tư mua các nhà máy bằng nguồn phát hành trái phiếu ngắn hạn và phải trả lãi, đồng thời lãi vay ngân hàng đến hạn phải trả. Do đó, ĐHĐCĐ quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần của AGM tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để trả nợ.
Bên cạnh đó, các khoản vay của AGM đang chiếm phần lớn tỷ trọng nguồn vốn. Công ty cũng có các khoản phải thu khó đòi. Do đó, ĐHĐCĐ thông qua phương án huy động vốn từ các TCTD; các tổ chức, cá nhân với lãi vay phù hợp. Đồng thời, chào bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, nhằm tái cơ cấu khoản nợ gói trái phiếu AGMH2123001 và AGMH2223001, ĐHĐCĐ AGM đã thông qua các phương án xử lý 2 gói nợ trái phiếu.
Có thể bạn quan tâm