Ai “gánh” thuế môi trường của xăng dầu?: Những quan điểm trái chiều

Huyền Trang 03/03/2018 16:34

Về cơ bản vẫn còn hai luồng ý kiến hoàn toàn trái chiều trước đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính. Vậy ai sẽ làm trọng tài cho vấn đề này?

Ngay sau bài viết “Ai “gánh” thuế môi trường của xăng dầu”, Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được nhiều phản hồi từ các bên. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin gửi tới bạn đọc một số nội dung cơ bản này.

p/Thực tế thì lượng thí thải từ công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều hơn so với các phương tiện giao thông vận tải

Thực tế thì lượng thí thải từ công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều hơn so với các phương tiện giao thông vận tải

Cái lý của Bộ Tài chính

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đề xuất tăng thuế nói trên nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững.
"Tại phiên họp lần thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường, ngoài một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế thì có ý kiến cho rằng phải làm rõ để xem xét mở rộng khung", ông Thi nói.

Đề xuất tăng thuế còn xuất phát từ thực tế hiện nay Việt Nam đã tham gia 11 FTA như FTA Việt Nam- Chile, FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu.... Theo lộ trình thực hiện các FTA thì Việt Nam còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%.

Lý do tiếp theo ông Thi đề cập tới đó là khắc phục hạn chế của Biểu thuế Bảo vệ môi trường hiện hành. Ví dụ với túi nilon, mặc dù Biểu đã quy định một mức nhất định nhưng lượng tiêu thụ túi nilon vẫn rất lớn nên lần này, một số hàng đề nghị tăng kịch trần.

"Xét trên giác độ bảo vệ môi trường có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường", ông Thi nhấn mạnh.

Tăng thuế là “vô tình” với người dân

Phản biện lại đề xuất này, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Bùi Trinh nói: “Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường vô tình với người dân bởi rất nhiều các loại thuế gián thu sắp sửa tăng đều có lộ trình từ năm 2019. Kinh tế Việt Nam năm 2017 được báo cáo là các chỉ số tăng trưởng kỳ tích, năm kinh tế thắng lợi, vậy thì lẽ ra người dân phải được hưởng lợi hơn chứ sao phải chịu thêm gánh nặng về thuế. Đây là nghịch lý cần phải giải quyết”.
Trước lý giải của Bộ Tài chính về việc tăng thuế là bảo vệ môi trường, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng: Việc tăng thuế để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế thì lượng khí thải từ công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều hơn so với các phương tiện giao thông vận tải. Trong báo cáo về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính từ lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu chiếm 52%. Trong đó, 73% từ khu vực FDI.

Vì vậy, ông Trinh cho rằng, việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như vậy là không phù hợp với thực tiễn, thiếu sự nghiên cứu, đánh giá khoa học. Đồng thời, nếu đề xuất tăng thuế là để bảo vệ môi trường thì cũng nên làm rõ, công khai minh bạch các lĩnh vực nào gây ô nhiễm nhiều để người dân biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ai “gánh” thuế môi trường của xăng dầu?: Những quan điểm trái chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO