Việc tiếp tục giảm 50% thuế môi trường đối với xăng dầu được cho là thiết thực để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ sắc thuế này…
Bộ Tài chính cho biết, vừa có công văn xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu trong năm 2025 theo trình tự rút gọn.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế BVMT năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm 70% đối với nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa. Dự kiến mức thuế BVMT sau khi giảm đối với xăng còn 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn còn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít.
“Năm 2025, nền kinh tế dần phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đề xuất giảm thuế BVMT với xăng dầu này nhằm ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, giả định yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành gần nhất, giá bán lẻ xăng (trừ etanol) giảm tương ứng 2.200 đồng/lít; nhiên liệu bay tương ứng giảm 2.200 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm giá bán lẻ tương ứng 1.100 đồng/lít; giá bán lẻ mỡ nhờn tương ứng giảm 1.100 đồng/kg; giảm giá bán lẻ dầu hỏa tương ứng 440 đồng/lít. Mức giá giảm này đã bao gồm cả giảm Thuế Giá trị gia tăng.
Với dự kiến sản lượng tiêu thụ sản phẩm xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2025 tương đương năm 2024, việc giảm thuế BVMT với xăng dầu cũng khiến ngân sách năm 2025 giảm khoảng 44.224 tỷ đồng.
Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này được thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.
Bình luận về câu chuyện này, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là cần thiết, nếu kéo dài chính sách sẽ "được nhiều hơn là mất". Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.
Theo vị chuyên gia này, việc kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn. Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Cũng theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, hiện tại, giá xăng dầu tại Việt Nam đang chịu 4 loại thuế đó là: thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu. Đối với thuế bảo vệ môi trường, hiện chúng ta đã giảm kịch khung theo Nghị quyết số 20/2022/ UBTVQH15 ngày 6/7/2022 của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Hiện tổng các khoản thuế chiếm 18,5% trong giá của xăng A92; 19,2 % đối với xăng A95. Còn với dầu thì từ 7-9%.
Ủng hộ đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, về lâu dài nếu vẫn áp loại thuế này thì cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu.
Theo ông Ngô Trí Long, quy định việc thu thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay chưa được công khai minh bạch. Thuế môi trường với xăng dầu là một nguồn thu không nhỏ, nên phải chi đúng mục đích, có hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí. Bộ Tài chính nên minh bạch hiệu quả sử dụng trong việc thu chi hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn thuế này. Thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, vẫn chỉ nên thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
"Về nguyên tắc, muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Nhà nước nên có chính sách khoan sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục. Việc tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường là rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch", chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu, không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. "Theo tôi nên bỏ hẳn thuế môi trường với xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc người dân và nền kinh tế rất khó khăn. Nếu vẫn muốn thu sắc thuế này, các bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng minh bạch", vị chuyên gia nêu quan điểm.