Rằng, một khi giải quyết được nhu cầu vật chất ắt sẽ nghĩ đến đời sống tinh thần, câu nói “phú quý sanh lễ nghĩa” cũng mang một phần ý nghĩa đó.
Nhạc thính phòng giao hưởng - nó là một thứ âm thanh bác học rót vào tận não bộ, được thụ hưởng trên nền tri thức dồi dào vốn không dành cho những người chạy ăn từng bữa, càng rất khó tồn tại nơi mà cư dân bì bõm dưới phố mỗi khi có cơn mưa ngang qua.
Ai thích chèo xuồng đi nghe nhạc thính phòng? Chắc chắn là không rồi! Bỏ 1.506 tỷ đồng để xây dựng nhà hát chuyên dành để biểu diễn thứ âm thanh thượng thặng, lại càng không muốn.
Tôi lại mường tượng ra một vấn đề, vì sao người ta không thấy con triều cường dưới phố và dòng người kẹt cứng giờ cao điểm còn cấp bách hơn ước vọng “sánh ngang các cường quốc văn hóa” - những nơi không còn phải nhức đầu vì túi tiền!
Ai sẽ chứng minh thật thuyết phục để thấy cái công trình đồ sộ thuộc về lĩnh vực tinh thần quan trọng hơn vô vàn vấn đề bị điều khiển bởi cái… dạ dày đang co bóp mạnh hơn bao giờ hết?
Có thể bạn quan tâm
01:00, 21/09/2018
11:32, 23/07/2018
17:43, 26/06/2018
06:30, 26/05/2018
Không cần mất thời gian ngồi tính xem 1.506 tỷ đồng xây được bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu phòng bệnh… nhưng cũng có thể thấy nó quá bất cập giữa muôn trùng khổ cực mà người dân đang đối diện để đóng thuế.
Cô người mẫu nội y nọ dùng cái túi xách mấy trăm ngàn đô, có người quy cho cô ta cái tội xa xỉ, tiêu tiền như nước lũ vùng cao là ráo cạn với sức vóc của kẻ khác, phỉ vả vào giá trị của lao động.
Đúng hay sai thật khó nói, nhưng hãy thử hình dung phép suy ra, trong một đất nước “nhiễu điều phủ lấy giá gương” từ nơi người chết cuốn mảnh chiếu chở về bằng xe máy, từ cái lớp học lõm bõm bùn đất… cho đến tòa lâu đài tráng lệ dành cho nhạc giao hưởng, sao mà thấy xót xa chạnh lòng!
Nhạc giao hưởng thính phòng có cần thiết? Câu trả lời là cần, nó là đỉnh cao của âm nhạc mà bất cứ nền văn hóa đẳng cấp nào cũng muốn vươn đến. Nhưng ở Thủ Thiêm là chưa cần thiết vào lúc này.
Có bao nhiêu người dân có nguyện vọng được hưởng thụ nhạc thính phòng? Hay cái họ muốn là giải quyết nạn tắc đường, triều cường, môi trường ô nhiễm… chắc hẳn chúng ta đã có đáp án cho riêng mình.
Ở Trung Quốc có một thị trấn “coppy” y hệt thủ đô nước Pháp, có tháp Eifel, có Khải hoàn môn với kích thước tương đương và phong cách kiến trúc Gothic, Roman …nhưng nó không bao giờ được gọi là Paris. Chiếc áo không làm nên thầy tu, như một mệnh đề đã thuộc về chân lý.
Người ta nghiên cứu chủ nghĩa Mác mấy trăm năm nay, không thể không biết đến nguyên lý tối giản “vật chất quyết định ý thức”, “cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”.
Rằng, một khi giải quyết được nhu cầu vật chất thì ắt sẽ nghĩ đến đời sống tinh thần, câu nói “phú quý sanh lễ nghĩa” cũng mang một phần ý nghĩa đó. Đổ nguồn lực vào văn hóa khi kinh tế khó khăn là việc làm trái quy luật khách quan.
Hay nói cách khác nhu cầu hưởng thụ tinh thần tiến dần lên theo chiếc phao kinh tế. Người “bình thường” chắc không đủ dũng khí đến dự buổi triển lãm tranh khỏa thân; nhạc thính phòng, thứ âm thanh du dương càng trở nên xa lạ trong màng nhĩ đa số người dân.
Nói đi nói lại vẫn phải nói đến một vấn đề xưa cũ: Hãy dùng nguồn lực cho kinh tế, giải quyết nguyện vọng tối thiểu của người dân trước khi nghĩ đến những thứ cao sang. Một nhà hát hoành tráng không thể “bưng” cả nền văn hóa ngồi vào bàn tròn với những anh hào gạo cội trên thế giới.
Một thành phố không tắc đường, ít cướp trộm, đường không thành… sông, cư dân không bị lưu manh bởi áp lực kinh tế, được thế cũng văn minh không kém những bản nhạc thính phòng cất lên trong ánh đèn vàng mờ ảo.
Người xưa từng nói: “Y phục xứng kỳ đức”. Ăn mặc đúng cách, phù hợp với hoàn cảnh, con người và địa vị của mình mới là đẹp. “Thành do cần kiệm, phá do xa”, nghĩa là cần cù, tiết kiệm thì thành công, hoang phí làm cho sụp đổ. Chuyện đó suy nghĩ trong lúc này, thật chí lý.