Vẫn còn nhiều khoản chi lãng phí

Nguyễn Việt thực hiện 26/05/2018 06:30

Đánh về việc thu chi ngân sách, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhiều phần chi ngân sách nhà nước vẫn lãng phí.

- Nhà nước đi vay nợ chỉ nhằm cho chi đầu tư phát triển chứ không phải chi thường xuyên. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thu thường xuyên chỉ đủ cho chi thường xuyên, thậm chí, có nhiều năm không đủ, thưa ông?

Tiền đi vay không được phép dùng cho chi thường xuyên, vay chỉ có cho đầu tư và đây là nguyên tắc được quy định trong Luật Ngân sách. Chính phủ cũng đã quán triệt không được đi vay về để chi thường xuyên.
Năm 2014 khi quyết toán ngân sách thì có tình trạng tổng chi đầu tư thấp hơn tổng phần tiền đi vay, điều này chứng tỏ chi thường xuyên đã thâm hụt cả vào nguồn tiền vay nợ. Nhưng những năm gần đây không có chuyện đó, tổng phần đi vay bao giờ cũng thấp hơn tổng phần chi đầu tư.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngân sách phải chịu thêm một áp lực lớn là chi trả nợ và lãi của những khoản vay những năm trước đây, cho nên nếu tính cả chi trả nợ lãi mà được tính vào chi thường xuyên thì có thể rơi vào trạng thu không đủ chi. Còn nếu bỏ phần chi trả nợ lãi của phần vay trước đây ra ngoài mà chỉ tính chi cho hoạt động của bộ máy nhà nước, thì trên thực tế không có chuyện dùng vốn vay cho chi thường xuyên.

- Thưa ông, nếu chi thường xuyên luôn ở mức cao khoảng 70% tổng chi qua các năm, nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện?

Vì tình trạng nguồn thu đang dùng chủ yếu cho chi thường xuyên và dành chi trả nợ lãi vốn vay, dẫn đến phần còn lại cho đầu tư phát triển từ nguồn tích lũy là không đáng kể. Thêm vào đó, do bị khống chế trần nợ công cho nên không thể đi vay nhiều để cho đầu tư phát triển. Chính điều này khiến cho phần đầu tư phát triển của chúng ta trong những năm gần đây rất hạn chế.

Chúng ta đang gặp phải một nghich lý như cái vòng luẩn quẩn: tích lũy ít muốn tăng đầu tư công thì phải đi vay để đầu tư, đi vay lại bị giới hạn bởi trần nợ công nên không có vốn đầu tư, không có vốn đầu tư công cho phát triển hạ tầng thiết yếu thì tăng trưởng thấp, tăng trưởng thấp lại kéo trần nợ công xuống thấp. Đã đến lúc chúng ta cần phải có một giải pháp đột phá để thoát khỏi cái vỏng luẩn quẩn của nợ công và tăng trưởng.
Trước mắt, chúng ta cần giải quyết hài hòa 2 vấn đề.

Thứ nhất, phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho chi đầu tư. Hiện nay có những khoản chi mập mờ lấp lửng giữa chi thường xuyên với chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đơn cử, như chi sửa chữa chống xuống cấp công trình, đường xá. Đường mới làm đã thay gạch, bó lại vỉa hè; đường vừa làm xong lại đào lên để chôn ống nước…

Thứ hai, Quản lý chặt chẽ, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thực tế, làm đường, xây dựng công trình từ ngân sách nhà nước thường chi phí cao hơn nhưng chất lượng lại kém hơn rất nhiều so với các công trình tư nhân cũng như cao hơn suất đầu tư cùng loại công trình của các nước khác.

- Cắt giảm biên chế sẽ là giải pháp giảm áp lực chi thường xuyên, thưa ông?

Thời gian qua, chúng ta đã nói nhiều tới vấn đề này. Một trong những nguyên nhân bộ máy cồng kềnh, chưa giảm biên chế hiện nay của chúng ta là chưa đánh giá công việc cán bộ công chức theo kết quả cuối cùng, mà chủ yếu quản lý theo hành chính.

Vì đánh giá như vậy cho nên bản thân những cán bộ công chức này không nghĩ đến việc phải làm như thế nào cho hiệu quả, không quan tâm đến việc cải tổ quy trình, thủ tục hành chính sao cho tốt hơn. Do vậy, chúng ta phải xây dựng và đánh giá dựa vào các chỉ số hiệu quả công việc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn còn nhiều khoản chi lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO