Hiện nay, Alibaba.com đang có những khoản đầu tư với chi phí khá lớn tại thị trường Việt Nam và sẵn sàng nỗ lực đầu tư vào các trung tâm sản xuất mới nổi tại đây.
>>Thương mại điện tử bền vững đồng hành cùng nền kinh tế số
Nền tảng thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) Alibaba.com vừa cho biết, trong kế hoạch mở rộng hoạt động của mình, Alibaba.com sẽ đầu tư cả về vốn liếng lẫn nhân sự tại một số trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chia sẻ với báo chí, ông Roger Luo, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á Alibaba.com, cho biết ngoài Hà Nội và TP.HCM, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ mở rộng sự hiện diện của mình tại một số tỉnh thành: Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng và Hải Phòng. Theo đó Alibaba.com sẽ tuyển dụng và đào tạo nhân lực tại các địa phương này để kịp thời cung cấp dịch vụ cũng như hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Việt Nam ở những khu vực này.
Kế hoạch cụ thể tới đây của Alibaba.com là sẽ tuyển dụng 100 nhân sự để đào tạo, đáp ứng các yêu cầu cho thị trường đang được đánh giá có nhiều lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thương mại điện tử B2B. Hoạt động tuyển dụng sẽ không chỉ diễn ra trực tiếp, còn qua hệ thống đối tác nhằm tăng tốc thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực hiệu quả.
Ông Roger Luo khẳng định: “Chúng tôi hiện đang có những khoản đầu tư với chi phí khá lớn tại thị trường Việt Nam, như nỗ lực đầu tư vào các trung tâm sản xuất mới nổi để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Đây là khoản chi phí mà tôi nghĩ rằng không phải nền tảng TMĐT nào cũng sẵn sàng bỏ ra sẽ rất ít nền tảng TMĐT sẵn sàng bỏ ra”.
Ông Mike Zhang, Giám Đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, tiết lộ thêm đơn vị này đang tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực của Việt Nam được hiển thị nhiều hơn trên trang chủ, từ đó thu hút doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm Việt.
Bên cạnh đó, nền tảng này cũng sẽ cung cấp các gói hỗ trợ về hậu cần (logistics) để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa.
>>Bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử
Theo Alibaba.com, Việt Nam có nhiều ngành hàng hấp dẫn, chiếm ưu thế trên nền tảng như các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thời trang, kiến trúc (nội thất, thủ công...), cùng với đó là nhiều ngành hàng có tiềm năng như nông nghiệp với các sản phẩm mang tính địa phương độc đáo.
Những yếu tố tạo nên sức hút đầu tư nhằm thúc đẩy, tận dụng xuất khẩu thương mại điện tử B2B từ Việt Nam, theo lãnh đạo Alibaba.com là:
Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế về nhân công lao động với chi phí còn rẻ, nhân lực chăm chỉ, chất lượng tốt.
Thứ hai, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm địa phương độc đáo và đặc trưng như cà phê, hoa quả, đồ thủ công mỹ nghệ… và được sản xuất bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẵn sàng tiếp cận, thúc đẩy xuất khẩu qua các phương thức thương mại điện tử lẫn truyền thống.
Thứ ba, hiện nay chính phủ Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do và cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế so với Trung Quốc, nhiều mặt hàng Việt Nam hiện có nhiều ưu đãi về thuế và giá cạnh tranh.
Dữ liệu từ Alibaba.com ghi nhận trong tháng 3/2023, số lượng trung bình nhà mua hàng các sản phẩm của Việt Nam hàng ngày trên nền tảng này đã tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu vô cùng tích cực trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm nhu cầu, dẫn đến suy giảm đơn hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Alibaba.com cho rằng với số lượng sản phẩm Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng tới 24%, trong đó các mặt hàng liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm - đồ uống, thời trang, nội thấy thủ công, sản phẩm nhà vườn đang là những ngành hàng có nhiều ưu thế; cùng lượng nhà mua hàng trung bình tăng như nêu trên, đã minh chứng cho cơ hội từ thay đổi phương thức xuất khẩu từ truyền thống đến trên nền tảng.
Do đó, ông Roger Luo khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia không chỉ Alibaba.com mà còn nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác muốn đầu tư và xây dựng các nhà xưởng.
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu trên nền tảng Alibaba.com, anh Tô Nghiệp Siêu (Steven Tô) - Phó Giám đốc Điều hành Công ty Hành Sanh với thương hiệu quạt điện San Kyo - cho biết, khi tận dụng các công cụ kỹ thuật số và sự hỗ trợ của Alibaba.com, San Kyo đã có những bước tiến về xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu.
Thay cho trước đây, công ty chỉ tập trung thị trường trong nước, hiện nay, Hành Sanh đã tiếp cận được 5 thị trường trên thế giới. Thị trường tiêu thụ San Kyo lớn nhất là Myanmar. Tổng doanh thu của Hành Sanh có đóng góp 60% từ xuất khẩu; trong xuất khẩu thì 90% doanh thu đến từ TMĐT qua nền tảng Alibaba.com", anh Tô Nghiệp Sanh cho biết.
Phó Giám đốc điều hành Công ty Hành Sanh, tuổi trẻ, thông thạo 4 ngôn ngữ, cũng cho biết "bí quyết" để thành công tiếp cận nhà mua hàng, chốt đơn hàng trên nền tảng TMĐT, trước hết là nắm bắt quy trình vận hành của nền tảng để có thể xây dựng gian hàng, nắm bắt lưu lượng, thu hút khách, cùng với đó là nắm bắt tâm lý khách hàng. "Đó là những kỹ năng mềm cần có. Nhà bán hàng B2B không cần màu mè nhưng nên biết tiếng Anh, trong trường hợp chủ doanh nghiệp không thông thạo tiếng Anh, nên cử nhân viên nhuần nhuyễn ngoại ngữ tiếp cận, giao tiếp và đến khi chốt đơn hàng thì chủ doanh nghiệp sẽ thực hiện".
Ngoài ra, anh cũng cho biết với kinh nghiệm của Hành Sanh, phương thức thanh toán giữa nhà bán hàng - nhà mua hàng qua nền tảng TMĐT nên được thống nhất, chia sẻ giữa 2 bên, nhưng thông thường Hành Sanh sẽ "chốt" trả trước 100% để tránh rủi ro. Bên cạnh đó cũng có những phương thức thanh toán khác.
Đại diện Alibaba.com nhấn mạnh, do thị trường Việt Nam rất quan trọng trong chiến lược phát triển của Alibaba.com, vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi tham gia vào nền tảng B2B này, sẽ được Alibaba.com cung cấp chuỗi các phương thức hỗ trợ "A-Z", từ làm quen, tiếp cận thương mại điện tử, xây dựng gian hàng, đi vào giao dịch..., cho đến tận bước cuối cùng.
Thị trường toàn cầu đang chứng kiến mốc tăng trưởng tới 91% trong lưu lượng truy cập trực tuyến, đặc biệt tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á - đà tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục; cùng với đó các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ cũng có xu hướng tăng tương tự. (Nguồn: Alibaba.com)
Có thể bạn quan tâm