Ám ảnh đuối nước trẻ em mùa Hè - cách nào giảm thiểu?

NGỌC MINH 15/05/2023 02:00

Hàng năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em dưới 15 tuổi mất thương tâm do tai nạn đuối nước.

>>Giá trị đào tạo kỹ năng nhìn từ việc chiến sĩ công an cứu người đuối nước

Tôi thực sự không biết tìm từ nào để an ủi động viên cô em họ khi thấy em rũ như tàu lá héo, da nhợt nhạt, mặt mũi không chút thần sắc, khi đứa con mới hơn bốn tuổi xinh đẹp, khoẻ mạnh của em phút chốc ra đi vì đuối nước.

Chồng và người nhà kể với tôi là cứ phải cất hết ảnh của bé đi, cả ảnh thờ vì cứ nhìn thấy ảnh là em tôi phát dại, vồ lấy ảnh mà vật vã khóc lóc, mệt lả đi không chịu ăn uống gì.

Tôi nắm lấy bàn tay lạnh ngắt toàn gân xanh của em an ủi: "Thôi cháu số có đến vậy, nó không ở với mình nữa, nó đi rồi em đừng đau buồn quá, ảnh hưởng sức khoẻ, còn phải sống tiếp để chăm sóc anh nó nữa. Cố gắng đứng lên cho vong linh cháu nó thanh thản".

Có thực sự tiếp xúc với người mẹ, người thân, người nhà của trẻ bị đuối nước mới cảm nhận được nỗi đau đến tận cùng mà họ phải nếm trải. Đứa trẻ xấu số mất đi để lại nỗi đau sự dằn vặt cho người thân ở lại. Ai cũng tự trách mình vì sự ra đi của cháu bé, trong khi đó hàng năm ở Việt Nam cứ đều đặn có tới 2.000 ngàn nỗi đau như thế, lại tập trung chính vào dịp mùa hè nóng bức. Con số khủng khiếp 2.000 trẻ dưới 15 tuổi mất thương tâm do tai nạn đuối nước, tỷ lệ cao hàng đầu Đông Nam Á, cao thứ hai thế giới và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Chỉ trong vòng 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 28 trẻ em tử vong do đuối nước. Nhiều gia đình mất cùng lúc 2-3 người con đang độ tuổi đến trường.

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 28 trẻ em tử vong do đuối nước. Nhiều gia đình mất cùng lúc 2-3 người con đang độ tuổi đến trường. Ảnh: Lao động

Tôi quan sát nơi cháu gái tôi gặp nạn. Ở nông thôn bây giờ ao chuôm bị xây lấp đi không ít, nhưng vẫn còn  nhiều, các bờ ao phần lớn được xây kè bê tông mà không có rào chắn. Chẳng may rơi xuống là không hề có điểm bấu víu như cây cỏ để leo lên bờ. Cháu tôi mất khi ông bà, anh trai thậm chí cả bố cháu cũng ở nhà mà không phát hiện ra kịp. Cháu ngủ dậy thơ thẩn chơi ở sân với quả bóng nhựa, quả bóng bị lăn xuống ao, cháu với theo bị ngã.

Thế mới thấy sự chủ quan về công tác an toàn cho trẻ nhỏ, những bất cập về giáo dục đào tạo, kĩ năng cho trẻ em, trang bị kiến thức về an toàn cho người lớn ở Việt Nam còn tụt hậu so với thế giới quá nhiều. Người ta sẵn sàng lướt tiktok hay vào mạng xã hội giải trí hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày chứ không mấy ai tìm hiểu cách sơ cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách dù nội dung thiết thực đó không hề khó hay quá dài.

Các cụ ngày xưa cũng có câu “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo'' cũng là nhấn mạnh việc đào tạo kĩ năng sống cho con cái. Bố tôi rất hiền, thế mà đến hè vẫn cầm roi mây đứng trên bờ canh tôi vật lộn với thân cây chuối dưới ao cho đến khi biết bơi thì thôi. Tôi  đến hè là cho con đi học bơi cho đến khi lấy chứng chỉ kèm thêm kiểm chứng thực tế khi cho đi tắm biển. Đi bể bơi cùng, tôi cố tình ẩy con xuống bể bất ngờ để tạo phản xạ sinh tồn. Thà nghiêm khắc, thậm chí hơi ác một chút trong mắt người khác, nhưng đó là cách tốt để bảo vệ con mình.

Là nước nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều, cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều nhiều sông ngòi, kênh rạch, ao mùa nguy cơ tiềm ẩm luôn hiện hữu và đe doạ sự an toàn của trẻ em Việt Nam. Tại các trường học phần lớn chưa có bể bơi tiêu chuẩn để trẻ học bơi, sân chơi, trò chơi dịp nghỉ hè đều thiếu thốn. Ở nông thôn ao hồ bị ô nhiễm nên trẻ phải rủ nhau đi ra sông, hồ hay bãi biển để tắm và thế là tai nạn xảy ra.

>>Vụ 8 cháu bé tại Hòa Bình bị đuối nước: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân

Việc bị rơi xuống nước phản xạ vùng vẫy la hét kêu cứu thường chỉ có trong phim, còn thực tế khi bị ngã xuống nước, trẻ còn quá nhỏ hoặc không biết bơi sẽ bị hoảng loạn và hít nước thẳng vào phổi gây sặc nước không kêu gào gì được và thường chết trong im lặng. Nếu đi cùng một nhóm thì với sự non nớt, số trẻ còn lại sẽ tìm cách cứu bạn và bị đuối theo, còn không thì lại mất phản xạ kêu cứu do quá sợ hãi. Chỗ trẻ chọn chơi thường vắng vẻ cách xa chỗ người lớn làm việc để tránh bị rầy la, nên phần lớn khi được phát hiện, cấp cứu thì đã muộn.

Có trẻ được phát hiện thì cách sơ cứu lại sai mất đi thời điểm vàng để cứu trẻ vì không phải ai cũng biết cách hà hơi thổi ngạt và kĩ thuật ép tim, cứ vác ngược hay dốc ngược trẻ lên làm nước và thức ăn từ dạ dày trào ngược ra tràn vào đường thở. Việc đặt nạn nhân trên nền cứng, để nghiêng đầu rồi hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim không phải ai cũng biết, cũng được đào tạo.

Mùa hè lại đến, không ai có thể làm kịp bể bơi, các sân chơi cho trẻ ngày trong ngày một, ngày hai để giảm thiểu số vụ đuối nước. Xin hãy quan tâm đến trẻ nhỏ. Hãy mở các lớp dạy bơi, các câu lạc bộ bơi lội cùng các giải phong trào tạo hiệu ứng lan toả cho trẻ ham thích học bơi lội.

Tuyên truyền mạnh mẽ từ nhà trường, truyền thông đến gia đình, yêu cầu trẻ ký cam kết không bơi lội ở các nơi không được phép. Các khu vực vắng, nước sâu cắm các biển cấm bơi lội, làm tờ rơi tuyên truyền về chống tai nạn đuối nước.

Đưa thông tin tuyên truyền phòng chống đuối nước lên các nền tảng mạng xã hội nhiều người sử dụng, làm video đào tạo trên Youtube, phóng sự đưa lên ti vi. Yêu cầu các nhà trường đăng ký chỉ tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh trong kỳ nghỉ.

Các gia đình phải có cách quản lý thời gian của con cái. Triệt tiêu các nguy cơ mất an toàn khi nhà ở gần ao, hồ bằng cách xây dựng rào chắn. Của mất có thể làm ra, người mất là không có gì có thể bù đắp nổi, hãy chung tay góp sức vì một mùa hè bình an cho trẻ em Việt.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá trị đào tạo kỹ năng nhìn từ việc chiến sĩ công an cứu người đuối nước

    04:00, 13/04/2022

  • Phòng chống đuối nước: "hãy tự cứu mình trước khi được cứu"

    17:10, 21/09/2019

  • Vụ 8 cháu bé tại Hòa Bình bị đuối nước: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân

    07:45, 23/03/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ám ảnh đuối nước trẻ em mùa Hè - cách nào giảm thiểu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO