Hòa bình rồi, người người được hưởng bầu không khí độc lập tự do, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở để hạnh phúc thực sự lan tỏa đến mọi giai tầng xã hội.
>>An sinh cho người lao động trong Khu công nghiệp
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời muộn hơn so với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế theo tôn chỉ và mục đích của chủ nghĩa Marx - Lenin, đánh đổ áp bức bóc lột, đứng lên xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, không còn cảnh “người bóc lột người”.
Từ cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta, kể cả sau này đều ghi rõ “giai cấp công nhân là đội tiên phong của Đảng cộng sản”, cùng với nông dân - là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Phong trào công nhân và chủ nghĩa yêu nước chính là chất liệu tạo nên chính đảng cộng sản.
Bởi, công nhân là những người có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa, văn minh, họ đủ nhận thức để tiếp nhận lý luận về đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc. Những nhà cách mạng tiền bối như Trần Phú, Lê Hồng Phong đều thâm nhập vào tầng lớp công nhân để truyền bá động lực đấu tranh.
Kể từ cuộc bãi công của công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son (8/1925) phong trào công nhân là xung lực không thể thiếu trong mọi diễn biến cách mạng. Không chỉ đấu tranh kinh tế mà còn khẳng định tiếng nói trên vũ đài chính trị.
Việt Nam hiện nay có khoảng 15 triệu công nhân - họ là đội quân nhân lực công nghiệp, chiếm 27% trong tổng số lực lượng lao động của cả nước, đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Đóng góp như vậy là rất lớn, nhưng họ chưa phải là đối tượng hưởng thụ chính do thành quả lao động mang lại. Đời sống công nhân đa phần bấp bênh, nay đây mai đó, cốt chính là do chế độ đãi ngộ và chính sách nhà ở còn quá nhiều bất cập. Chỉ một làn sóng dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ rõ vấn đề không nhỏ này.
Nghiệp không “lạc”, “cư” không an! Để tìm kiếm một mái nhà ở phố xá, với công nhân, quả không khác “bắc thang lên trời”. “Sốt đất”, giá nhà tăng phi mã đã cướp sạch cơ hội ổn định cuộc sống của hàng triệu người gánh vác chính nền kinh tế.
Mỗi năm thành phố lớn nhất nước tiếp nhận thêm 1 triệu lao động tứ xứ, nhưng nhà ở xã hội phát sinh thêm vài nghìn căn mỗi năm, con số đã quá khập khiễng, thế rồi nhà ở xã hội có đến tay công nhân hay không lại là chuyện khác!
>>Phục hồi và phát triển kinh tế: Đồng bộ chính sách an sinh xã hội
>>Cần có sàn an sinh tối thiểu cho người lao động
Tạo ra của cải vật chất khổng lồ nhưng đời sống vẫn nhiều khó khăn, “an cư, lạc nghiệp” vẫn là nỗi niềm đau đáu. Cần nhớ lại khái niệm “lao động bị tha hóa” của Marx, là khi một thiểu số người đi chiếm đoạt tư liệu sản xuất của xã hội và chiếm lợi thế. Còn đại bộ phận nhân dân lao động lại bị tước đoạt tư liệu sản xuất, giờ đây, họ phải phụ thuộc vào giai cấp có của.
Ngày nay, mối quan hệ “công nhân - ông chủ” đã khác. Những cải tiến của chủ nghĩa tư bản hiện đại mở đường cho “người làm thuê” sở hữu cổ phần doanh nghiệp; sự tiến hóa của pháp luật về Lao động và đòi hỏi về trách nhiệm xã hội không dễ để áp đặt ý chí chủ quan.
Vậy là vấn đề lại thuộc về công nhân, họ - buộc phải thể hiện tính cách mạng hiện đại; am hiểu luật pháp, thể chế... Bên cạnh đó, vai trò nhà nước là cần hiện thực hóa lý thuyết ưu việt của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ưu tiên ngân sách kiến tạo nhà ở, hỗ trợ tăng lương, bảo trợ bảo hiểm xã hội; giành quỹ đất cho người yếu thế.
Chăm lo cho giai cấp công nhân là một trong những nhiệm vụ song hành với xây dựng chỉnh đốn đảng, giai cấp này đang gánh vác nhiệm vụ chính trị to lớn, không chỉ trực tiếp xây nền kinh tế mà còn là lực lượng cách mạng quan trọng nhất khi Tổ quốc lâm nguy.
Có thể bạn quan tâm
01:45, 29/01/2022
04:05, 24/12/2021
04:10, 10/12/2021
00:00, 03/12/2021
16:42, 30/11/2021
04:10, 26/11/2021
12:47, 12/11/2021
15:59, 10/11/2021