An toàn cho trẻ nhỏ từ những lô gia, ban công

TS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng 08/03/2021 05:00

Các quy chuẩn và tiêu chuẩn về an toàn những nơi có tiếp giáp bên ngoài, nhưng việc vận dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn này lại khác nhau dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho người sử dụng.

Đừng biến các lan can, cửa sổ trở thành những nơi đầy hiểm họa trong quá trình khám phá thế giới của trẻ em.

Theo Quy chuẩn Quốc gia 05:2008/BXD về an toàn sinh mạng và sức khỏe trong nhà ở và công trình công cộng, cũng như Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4319:2012 về những nguyên tắc cơ bản để thiết kế nhà ở và công trình công cộng đều có chung quy định ở tất cả những nơi có tiếp giáp với bên ngoài (như ban công, hành lang ngoài, hành lang bên trong, giếng trời bên trong, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà...) đều phải bố trí lan can bảo vệ, trong đó yêu cầu chiều cao tối thiểu của lan can lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên là 1400 mm, không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm.

BA YẾU TỐ QUAN TRỌNG

Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100 mm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, cần tuân thủ các quy định về kính an toàn trong sử dụng.

Các quy chuẩn và tiêu chuẩn ở Việt Nam đã quy định rõ như vậy nhưng trên thực tế, việc vận dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn này lại khác nhau dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho người sử dụng, nhất là trẻ em như những trường hợp điển hình xảy ra trong những năm gần đây, khi chung cư cao tầng trở nên phổ biến hơn tại các thành phố. Có thể thấy nguyên nhân đến từ cả hai phía là người thiết kế và cả người sử dụng.

Thứ nhất là từ phía nhà thiết kế. Có thể chiều cao lan can hay bậu cửa sổ đạt yêu cầu về chiều cao tối thiểu theo quy định nhưng trên thực tế, người thiết kế lại “vô tình” làm ảnh hưởng đến tính an toàn do thiết kế cấu tạo của lan can, chẳng hạn như tạo ra các bậu tường, các lỗ thoáng trên lan can mà trẻ em có thể dễ dàng đặt chân lên để leo trèo.

Như vậy, những yếu tố này đã làm giảm đi chiều cao an toàn thực tế của lan can đó, chẳng hạn như thay vì 1,4 m, nếu trừ đi phần bậu tường cao 0,3-0,4 m thì chiều cao an toàn của lan can chỉ còn 1,0-1,1 m. Ngoài ra, hầu hết các lô gia trong các chung cư cao tầng hiện nay thường được thiết kế để bố trí máy giặt, máy sấy và phơi quần áo. Do đó trẻ em hoàn toàn có thể trèo lên máy giặt với chiều cao phổ biến 0,8-0,9 m, hoặc đu lên các khung, xà phơi quần áo để tiếp cận lan can dễ dàng hơn.

Thứ hai là từ phía người sử dụng. Không chỉ bố trí máy giặt, máy sấy, giàn phơi như thiết kế, người sử dụng còn tận dụng các lô gia để các chậu, giá trồng cây, hoặc các vật dụng sinh hoạt như tủ, bàn ghế khiến cho trẻ hoàn toàn có thể sử dụng làm điểm tựa để đu, bám, di chuyển lên cao.

Trong các phòng ngủ, tuy bậu cửa sổ cao nhưng người sử dụng lại kê giường, bàn học sát cửa sổ khiến trẻ con hoàn toàn có thể leo, trèo, nhoài đầu ra ngoài. Như vậy, vô hình trung, người sử dụng tạo “cơ hội” cho trẻ nhỏ tiếp cận lan can, bậu cửa sổ một cách dễ dàng, làm giảm đi hiệu lực của các biện pháp an toàn. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể di chuyển ghế, bàn, bục, kệ từ các phòng khác để có thể đứng lên cao hơn nhằm vượt qua được giới hạn chiều cao của lan can.

Ở các quốc gia khác cũng có những quy định tương tự như ở Việt Nam. Các quy định này đều tập trung vào 3 yếu tố quan trọng là chiều cao tối thiểu lan can, khoảng hở các thành phần cấu tạo lan can và hạn chế các yếu tố tạo cơ hội cho trẻ em đu bám, trèo lên lan can.

Vấn đề trẻ em ở các nước cũng có những đặc tính giống như trẻ em ở Việt Nam nên những tai nạn vô tình và không đáng có vẫn thường xảy ra đối với trẻ em ở mọi nơi. Ở lứa tuổi của chúng, đặc biệt là trẻ từ 2 đến 6 tuổi, những khái niệm an toàn và nguy hiểm là rất xa lạ. Chúng luôn tò mò và háo hức khám phá môi trường xung quanh, điều này có thể khiến chúng mắc sai lầm và làm cho bản thân gặp rủi ro. Trẻ em thậm chí là bắt đầu leo trèo trước khi chúng biết đi, vì vậy đừng đánh giá thấp khả năng vận động của trẻ.

Các quy định sẽ chỉ vẫn là những quy định nếu chúng ta không hiểu bản chất hoạt động của trẻ cũng như việc sử dụng không gian trên thực tế.

NĂM QUY TẮC NHẤT ĐỊNH

Các quy định sẽ chỉ vẫn là những quy định nếu chúng ta không hiểu bản chất hoạt động của trẻ cũng như việc sử dụng không gian trên thực tế.

Một là, người sử dụng cần kiểm tra lại cấu tạo lan can của nhà mình, đặc biệt chú ý đến các khe hở giữa các thanh đứng và các yếu tố của lan can có thể tạo cơ hội cho trẻ leo trèo như bậu tường, lỗ thoáng, từ đó có các giải pháp che bịt. Đối với các lan can có phần bậu tường xây cao, có thể tạo thêm một lớp can can thứ hai bằng kính an toàn ở mặt trong bậu tường vì bề mặt kính trơn nhẵn nên khó leo trèo.

Hai là, người sử dụng bổ sung thêm các giải pháp an toàn theo đặc tính của cấu tạo lan can, cửa sổ dựa trên sự tham vấn của các nhà thiết kế, đồng thời có sự thỏa thuận với quản lý tòa nhà nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và tính an toàn chung của tòa nhà, chẳng hạn như sử dụng lưới dây, lưới nhựa hay lưới cáp, kính an toàn, hoặc lưới thép có phần mở được để thoát hiểm khi cần thiết.

Ba là, người sử dụng cần di chuyển đồ đạc hoặc các vật dụng giúp trẻ có thể đu bám, leo trèo ra xa lan can và cửa sổ, tạo khoảng cách an toàn để trẻ không thể “chuyền” từ các đồ đạc, vật dụng đó sang lan can hay bậu cửa sổ. Nếu bắt buộc phải đặt những vật dụng cạnh lan can, cửa sổ thì cần bổ sung thêm các biện pháp an toàn khác.

Bốn là, người sử dụng ngăn cản việc di chuyển của trẻ ra lô gia, ban công bằng cách tạo các tấm chắn ở cửa ra lô gia, ban công. Điều này hoàn toàn rất dễ thực hiện thông qua một rào chắn gỗ, thậm chí đơn giản chỉ là một tấm ván gỗ được lắp đặt linh động. Ngoài ra, người sử dụng có thể bổ sung một số biện pháp gây khó khăn cho việc leo trèo của trẻ, chẳng hạn như dán các dải băng gai nhựa lên các bề mặt mà trẻ có thể đặt chân làm cho trẻ có thể nản chí từ bỏ ý định leo trèo tiếp.

Năm là, người sử dụng cần tiến hành kiểm tra an toàn thường xuyên vì lan can, cửa sổ tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên về mặt kỹ thuật, chúng phải chịu sự hao mòn bởi những tác động của thời tiết. Do đó, cần kiểm tra lan can và cửa sổ thường xuyên để đảm bảo chúng vẫn hoạt động bình thường, nếu tìm thấy các vết nứt hoặc rỉ sét ảnh hưởng đến an toàn, hãy sửa chữa hoặc thay thế càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, việc tuân thủ những quy tắc, quy định hay những khuyến cáo nói trên vẫn không thể thay thế cho việc giám sát trực tiếp và không lơ là chủ quan từ người lớn, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa trẻ em.

Khi căn hộ có lan can, cửa sổ an toàn và các lô gia, ban công có kiểm soát, trẻ em sẽ an toàn hơn nhiều khi chúng ở đó để tận hưởng ánh nắng mặt trời và không khí bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
An toàn cho trẻ nhỏ từ những lô gia, ban công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO