Bề ngoài như chiếc áo khoác thông thường, nhưng khi gặp sự cố trên sông, biển, áo có thể phồng lên nhanh chóng, giúp nâng cơ thể lên, tránh đuối nước.
Áo khoác phao đa năng do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) sáng chế, giành giải nhất tại cuộc thi "Từ sáng tạo đến khởi nghiệp: Mô phỏng kinh doanh", vòng mô phỏng kinh doanh.
Bạn Đàm Quang Tiến - sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) - cho biết sản phẩm dựa trên chiếc áo khoác thông thường nhưng được trang bị các phao nổi ở vùng cổ và 2 tay.
Một hệ thống chứa khí nén CO2 vừa phải nằm gọn trong áo, khi cần thiết có thể ấn nút mở van cho khí làm phồng phao, đưa người nổi lên trên mặt nước.
Ngoài ra, nhóm sinh viên trang bị thêm các bảng phản quang ở tay và lưng, và thiết kế khoa học nơi đựng dụng cụ như còi, đèn và dao… giúp có thể sinh tồn trong những tình huống thất lạc sau tai nạn.
"Tụi mình kết hợp phao với áo khoác sẽ giúp tiện lợi cho người dân đi biển. Chúng mình sẽ lên kế hoạch phát triển sản phẩm, trước hết ở khu vực miền Trung rồi ra cả nước", Tiến cho biết thêm trong các thử nghiệm, tất cả tình nguyện viên mặc áo khoác phao đều nổi.
Theo TS Nguyễn Thị Anh Thư - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), sản phẩm là nỗ lực rất lớn của nhóm sinh viên nghiên cứu. Dù vậy cô Thư cho rằng khó khăn hiện tại nằm ở khâu đưa ra thị trường, bởi các em chủ yếu là dân kỹ thuật, không biết nhiều về những vấn đề kinh tế.
Cuộc thi "Từ sáng tạo đến khởi nghiệp: Mô phỏng kinh doanh" do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), ĐH bang Arizona (ASU) và Chương trình STEM Dow Việt Nam tổ chức, thu hút sinh viên từ nhiều trường ĐH trên cả nước tham dự như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Sư phạm - kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…
Buổi mô phỏng kinh doanh ngày 22-6 cũng là một trong số ít cuộc thi về khoa học kỹ thuật - đổi mới sáng tạo giữa các trường đầu tiên diễn ra sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.
Trong chương trình, 9 đội thi trình bày các sản phẩm sáng tạo của mình trước chuyên gia, đại diện doanh nghiệp để gọi vốn đầu tư.
Ngoài chiếc áo phao đa năng, chương trình còn ghi nhận nhiều sáng tạo có giá trị thực tiễn như giày chỉ đường cho người mù, máy phun thuốc trừ sâu an toàn, phần mềm chống điểm mù cho các tài xế xe tải hay container…
Tại chương trình, ông Daniel J. Kritenbrink - đại sứ Mỹ tại Việt Nam - đánh giá cao những sáng kiến của các nhóm hướng đến cộng đồng.
Ông cũng nhấn mạnh những chương trình như thế là cơ sở cho nhiều hoạt động hỗ trợ về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới.