Áp lực điều chỉnh với CVT

Ngọc Anh 26/02/2019 05:01

Dù đã và đang tăng điểm, nhưng do hiệu quả sản xuất kinh doanh suy giảm, giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần CMC (HOSE: CVT) có nguy cơ điều chỉnh khi đối mặt với mức MA200.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/2, giá cổ phiếu CVT tăng 0,66% đóng cửa ở mức 22.850 đồng/cp.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/2, giá cổ phiếu CVT tăng 0,66% đóng cửa ở mức 22.850 đồng/cp.

Hiệu quả kinh doanh giảm sút

Theo báo cáo tài chính quý 4/2018, lũy kế cả năm 2018, doanh thu thuần của CVT đạt hơn 1.448 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2017. Hệ số giá vốn hàng bán/doanh thu thuần ở mức gần 80%, tăng khá mạnh so với mức 75,5% của năm 2017, cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này giảm sút. Do đó, biên lợi nhuận gộp của CVT đã giảm xuống mức 20%, so với mức 24,3% của năm 2017.

Có thể bạn quan tâm

  • CVT có gì để nhà đầu tư “đặt gạch”?

    CVT có gì để nhà đầu tư “đặt gạch”?

    14:00, 10/10/2017

  • Cổ phiếu CVT được định giá ở mức bao nhiêu?

    Cổ phiếu CVT được định giá ở mức bao nhiêu?

    05:05, 08/05/2017

Sở dĩ biên lợi nhuận gộp của CVT giảm là do giá than và giá khí LPG tăng mạnh trong quý 2 và quý 3/2018. Hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng hơn 20% giá vốn gạch ốp lát của CVT. Do vậy, việc giá than đạt đỉnh 6 năm qua ở mức 122 USD/tấn, và giá khí LPG tăng mạnh theo giá dầu trong quý 3/2018 khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Tổng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của CVT năm 2018 ở mức hơn 51 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 17,5% lợi nhuận gộp, cho thấy doanh nghiệp này kiểm soát khá tốt khoản mục chi phí này.

Do giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nên trong quý 4/2018, CVT đã giảm mạnh chi phí sản xuất, đồng thời chuyên sâu vào sản xuất các sản phẩm cao cấp, nên lợi nhuận quý 4 của CVT đạt hơn 54 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ vậy,  lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 của CVT chỉ giảm 3,4% so với năm 2017, đạt hơn 168 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, CVT sử dụng đòn bẩy tài chính thấp khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 109%. Trong khi đó, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của CVT thực dương tới hơn 1.105 tỷ đồng. Do đó, áp lực trả nợ của CVT khá thấp.

Thách thức với CVT

Trong năm 2019, ngoài biến động giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, CVT còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Thứ nhất, theo BMI, năm 2019 là năm thứ 04 giảm tốc của ngành xây dựng do hoạt động xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng không tích cực bằng năm 2018. Theo đó, ngành xây dựng Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng khoảng hơn 7% trong năm 2019. Tuy nhiên, BMI dự báo năm 2019 là năm cuối cùng của chu kỳ suy giảm của ngành xây dựng. Theo đó, ngành này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2020.

Thứ hai, tín dụng bất động sản (BĐS) đã và đang bị siết chặt (hệ số rủi ro cho vay BĐS tăng lên mức 200% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống 40%) khiến ngành xây dựng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc tiêu thụ gạch ốp lát.

Thứ ba, áp lực cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát Việt Nam ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các sản phẩm thay thế gạch ốp lát như gỗ công nghiệp, đá nhân tạo và nhựa tổng hợp sẽ khiến việc tiêu thụ gạch ốp lát trở nên khó khăn hơn.

Các đối thủ cạnh tranh chính của CVT gồm Viglacera, Đồng Tâm, Thạch Bàn, Prime… Bên cạnh đó, các sản phẩm gạch ốp lát giá rẻ được nhập từ Trung Quốc cũng gây sức ép cạnh tranh đối với CVT.

Trong năm 2019, các dòng sản phẩm mới vẫn là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu và lợi nhuận của CVT. Tuy nhiên, các sản phẩm cũ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang có xu hướng giảm giá, nên lợi nhuận của doanh nghiệp này có thể sẽ tiếp tục sụt giảm.

Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu CVT đã giảm hơn 32%, nhưng trong 1 tháng qua lại tăng khoảng 11%, với khối lượng giao dịch bình quân đạt khoảng hơn 300.000 cổ phiếu/phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 25/2, giá cổ phiếu CVT tăng 0,66% đóng cửa ở mức 22.850 đồng/cp.

Theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu CVT vẫn đang có xu hướng phục hồi, nhưng đã bắt đầu nằm trong vùng vượt mua. Do đó, giá cổ phiếu này sẽ đối mặt với mức kháng cự mạnh tại 24.800đ/cp (MA200). Nếu không vượt qua được mức này, thì giá cổ phiếu CVT có thể điều chỉnh xuống 21.000đ/cp (đường biên giữa của dải Bollinger). Ngược lại, giá cổ phiếu CVT có thể lên 27.000- 30.000đ/cp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực điều chỉnh với CVT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO