Số vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, biến áp lực thành lợi thế nếu có chiến lược phù hợp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phòng vệ thương mại đã trở thành “mặt trận” mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến cuối năm 2024, hàng hóa Việt Nam đã chịu điều tra trong khoảng 273 vụ việc phòng vệ thương mại tại 25 thị trường. Đây đều là những thị trường chủ lực, bao gồm cả những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Riêng năm 2024 chứng kiến số vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) gia tăng đáng kể với 29 vụ điều tra mới - tăng gấp đôi so với năm 2023 và chỉ thấp hơn mức đỉnh 39 vụ của năm 2020. Điều đáng nói, không chỉ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thép, nhôm, thủy sản, gỗ bị điều tra, mà ngay cả các mặt hàng nhỏ như đĩa giấy – với kim ngạch chỉ khoảng 9 triệu USD – cũng không nằm ngoài tầm ngắm.
Điển hình như Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dẫn đầu trong việc áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa Việt Nam. Trao đổi với với chí, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại của chính quyền Hoa Kỳ ngày càng gia tăng: “Áp dụng đồng thời cả điều tra phá giá và trợ cấp, thậm chí đưa vào các yếu tố mới như tính trợ cấp xuyên biên giới, các quy định về lao động và môi trường. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn”.
Nguyên nhân chính khiến các vụ PVTM gia tăng đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt với Hoa Kỳ, đạt mức 102 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Thứ hai, hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng cải thiện, gây ra xung đột lợi ích với các nhà sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu. Thứ ba là chính sách bảo hộ gia tăng mạnh mẽ, tập trung vào việc bảo vệ ngành sản xuất nội địa và lao động trong nước.
Nhìn lại số lượng các vụ điều tra PVTM trong năm 2024, nhiều chuyên gia lo ngại cho rằng, đây là con số cao thứ 2 trong lịch sử và chỉ thấp hơn năm 2020. Điều này cho thấy xu hướng điều tra phòng vệ thương mại sẽ còn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, áp lực từ PVTM sẽ luôn song hành trong bối cảnh Việt Nam tăng cường xuất khẩu cũng như thặng dư thương mại lớn. Dù tạo nhiều khó khăn, các vụ việc PVTM cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
Về nội dung này, ông Vũ Thanh Hải, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nội địa hóa sản phẩm của mình, luôn cải tiến sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Phải đổi mới mô hình quản lý hay kiểm soát chất lượng của sản phẩm, nhất là các sản phẩm xuất khẩu. “Phải đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, tránh bị phụ thuộc vào một số các thị trường nhất định”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cũng lưu ý các doanh nghiệp, nếu có ý định xuất khẩu một mặt hàng, sang thị trường nào đó, cần tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường. Có thể tìm hiểu thông qua nghiên cứu hoặc hỏi thông qua các cơ quan thương vụ, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của các nước sở tại. Đặc biệt tránh những hành vi được coi là tiếp tay cho những hành vi lẩn tránh, hoặc gian lận xuất xứ, vì những hành vi này sẽ bị trừng phạt rất nặng.
“Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy trình điều tra phòng vệ thương mại với những nước này, để lường trước những rủi ro và cũng có thể tham gia các buổi tập huấn do các sở, ban, ngành, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ Thương mại) tổ chức để trang bị thêm kiến thức cho mình trước khi vụ việc xảy ra để tránh bị bỡ ngỡ”, bà Ngọc khuyến nghị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thông tin thông qua các đối tác nhập khẩu của mình, họ sẽ là người nắm được thông tin tương đối sớm. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu để tránh khi có vụ việc xảy ra sẽ mất thị trường, cũng như không thể xuất được mặt hàng khác sang và cần nhiều thời gian để chuyển đổi.
Mặt khác, doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng, thay vì cạnh tranh về giá, vì nếu chúng ta cứ giảm giá, có thể sẽ bị điều tra chống bán phá giá. Theo bà Ngọc, các sở, ban, ngành và các cơ quan của Chính phủ phải rà soát, tránh đưa ra những chính sách có thể bị coi là trợ cấp. Đối với doanh nghiệp, cần phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước không bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để tránh nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế sau này.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu trữ các sổ sách kế toán và có hệ thống truy suất nguồn gốc để có thể xuất trình được những tài liệu chứng minh trong các vụ việc điều tra. “Đơn cử như Hoa Kỳ yêu cầu phải lưu giữ tài liệu tối thiểu trong 5 năm trong các vụ việc điều tra chống lẩn tránh. Thậm chí trong những vụ việc trợ cấp, họ lại điều tra theo vòng đời sản phẩm, có những vụ việc lên đến 15 năm, tức là chúng ta phải xuất trình được tài liệu liên quan trong 15 năm, do đó chúng ta rất lưu ý vấn đề này”, bà Ngọc nhấn mạnh.