Nếu không có sự đột biến và đột phá, việc hoàn thành kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2017-2020 được Chính phủ giao cho Vinachem là điều khó nhằn.
Ngày 5/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020.
Một năm "chạy nước rút"
Theo đó, với mục tiêu bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh, một loạt đơn vị thành viên đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được Vinachem thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu.
Theo kế hoạch, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Vinachem giai đoạn 2017-2020 lần lượt là: Thoái vốn tại 15 doanh nghiệp năm 2018, thoái vốn tại 14 doanh nghiệp năm 2019 và thoái vốn tại 4 doanh nghiệp năm 2020.
Trong năm 2018, Vinachem chưa có động thái thoái vốn cụ thể nào, tiến độ diễn ra khá chậm. Nguyên nhân có thể đến từ những khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, mặt khác là thị trường chứng khoán có diễn biến kém thuận lợi.
Việc chưa thực hiện thoái vốn theo lộ trình trong năm 2018 chính là áp lực buộc Vinachem phải nỗ lực thực hiện thoái vốn trong thời gian còn lại của giai đoạn 2017-2020 để không “vỡ kế hoạch”.
Năm 2019, Vinachem liên tiếp công bố thoái vốn khỏi loạt đơn vị thành viên. Kết quả là, đến nay, tập đoàn này đã chuyển nhượng vốn thành công tại 7 công ty cổ phần gồm: Cao su Sao Vàng, Bột giặt Net, Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Mỏ (Incodemic), Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Sơn Tổng hợp, Pin Hà Nội, Ắc quy Tia Sáng, Hóa chất Đức Giang.
Phần lớn các doanh nghiệp được đưa ra đấu giá nằm trong nhóm mà Vinachem dự kiến chỉ còn sở hữu 36% sau thoái vốn. Riêng tại Incodemic, Vinachem thực hiện thoái hết vốn.
Điểm chung của các đợt thoái vốn thành công là những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không mấy nổi bật nhưng sở hữu những khu đất vàng.
Có 3 đơn vị thực hiện bán đấu giá không thành công do không có nhà đầu tư tham gia là các công ty cổ phần: Phân bón Miền Nam, Cao su Đà Nẵng, Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam.
Áp lực 2020
Năm 2019, Vinachem liên tục gây chú ý bởi mức giá khởi điểm được đưa ra trong mỗi phiên đấu giá.
Có thể kể đến Phân bón miền nam giá khởi điểm cao hơn gấp đôi so với thị giá hay hóa chất Đà Nẵng giá khởi điểm gấp gần 40 lần thị giá,...
Có thể bạn quan tâm
00:00, 16/12/2019
00:00, 22/11/2019
15:34, 11/10/2019
00:31, 04/09/2019
00:46, 11/07/2019
Việc đưa ra mức giá cao cho mỗi cổ phần khi thoái vốn là điều không khó hiểu, bởi khi định giá doanh nghiệp để đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước ngoài lợi nhuận, dòng tiền, các tài sản của doanh nghiệp cũng được định giá lại theo giá thị trường, theo lợi thế mà doanh nghiệp có được từ sở hữu tài sản.
Theo nhiều ý kiến, trong bối cảnh kết quả kinh doanh trên đà suy giảm, khả năng thành công của các đợt thoái vốn do Vinachem thực hiện phụ thuộc nhiều vào mức độ thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia.
Nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến doanh nghiệp có tỷ lệ bán vốn lớn, có những tài sản giá trị nhưng chưa khai thác tốt như đất đai, hoặc doanh nghiệp sản xuất mà đối tác có thể kết hợp hoàn thiện chuỗi giá trị của họ.
Dù động thái thoái vốn liên tục được đẩy mạnh nhưng công tác này vẫn đè nặng lên Vinachem trong năm 2020.
Đối với các công ty cổ phần: Công nghiệp Cao su Miền Nam, Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, Thiết kế Công nghiệp Hóa chất và Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, Xà phòng Hà Nội, do có vướng mắc trong việc xác định giá trị doanh nghiệp nên Vinachem đang tạm dừng việc thoái vốn tại các đơn vị này để báo cáo, xin hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với 4 công ty cổ phần bị phong tỏa cổ phiếu (Phân bón Bình Điền, Pin ắc quy Miền Nam, Hóa chất Việt Trì và Bột giặt Lix), do có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 136/2019/QĐ-BPKCTT ngày 20/2/2019 và 323/2019/QĐ-BPKCTT ngày 4/4/2019 của Tòa án nhân dân TP. HCM, Vinachem đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Theo đó, tập đoàn này tạm dừng chuyển nhượng vốn tại 4 đơn vị nêu trên.
Đối với việc chuyển nhượng vốn của tập đoàn tại Công ty Cổ phần DAP- Vinachem (Hải Phòng), Vinachem đã ban hành nghị quyết về việc chấp thuận kết quả xác định giá trị phần vốn, giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn của Tập đoàn đầu tư tại công ty và quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn của Tập đoàn đầu tư tại công ty.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc, Vinachem đã có các văn bản báo cáo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện thoái vốn của Tập đoàn đầu tư tại Công ty Cổ phần DAP – Vinachem.
Ngày 28/11 vừa qua, Vinachem đã nhận được văn bản số 1782/PC-VPCP ngày 25/11/2019 của Văn phòng Chính phủ chuyển Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, xử lý.
Vinachem cho biết tập đoàn này sẽ triển khai thực hiện thoái vốn tại Công ty Cổ phần DAP- Vinachem sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Vinachem cũng cho biết, tập đoàn này đang tiếp tục triển khai các bước chuyển nhượng vốn tại 8 công ty cổ phần: Hóa chất cơ bản Miền Nam, Phân lân Nung chảy Văn Điển, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Hơi Kỹ nghệ Que hàn, Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất, Cảng đạm Ninh Bình, Sorbitol Pháp Việt và Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina.
Như vậy, nếu không có sự đột biến và đột phá, việc hoàn thành kế hoạch thoái vốn được Chính phủ giao cho Vinachem là điều khó nhằn.