Việc niêm yết 34 triệu cổ phiếu mã NHH trên sàn HOSE là bước đi chiến lược của Nhựa Hà Nội nhằm mở ra cơ hội trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước...
Dự kiến niêm yết trên sàn HOSE vào đầu tháng 11/2019, hút vốn phục vụ cho những dự án về sản phẩm thân thiện với môi trường - Liệu tham vọng này của Nhựa Hà Nội có thực hiện được trong bối cảnh tìm nhà đầu tư như “mò kim đáy bể” ?
Ông Bùi Thanh Nam - Tổng Giám đốc Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán NHH) trao đổi cùng DĐDN, sau khi tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 12/2007, đến nay, qua nhiều lần M&A, Tập đoàn An Phát (APH) đã chính thức mua lại Nhựa Hà Nội và dịch chuyển từ mô hình sở hữu Nhà nước sang 100% vốn tư nhân.
- Vì sao doanh thu và lợi nhuận của Nhựa Hà Nội liên tiếp sụt giảm trong thời gian gần đây, thưa ông?
Lợi nhuận của Công ty có giảm là do những thay đổi trong chính sách với khách hàng, nhưng tôi khẳng định tỷ lệ lợi nhuận biên vẫn cao và ổn định hơn so các công ty cùng ngành nghề.
- Thưa ông, nhiều nhà đầu tư cho rằng Nhựa Hà Nội quá chú trọng vào M&A nên đã ảnh hưởng tới biên lợi nhuận?
Qua nhiều lần M&A Tập đoàn An Phát (APH) đã chính thức mua lại Nhựa Hà Nội và dịch chuyển từ mô hình sở hữu Nhà nước sang 100% vốn tư nhân, điều này đã thực sự làm thay đổi bộ mặt của doanh nghiệp.
Nhựa Hà Nội đã hợp tác thành công với VinFast để thành lập Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast-An Phát (VAPA) chuyên sản xuất linh kiện nhựa ô tô xe máy, tạo đà cho nhiều doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào mạng lưới cung cấp linh kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô tại VN.
Hồi giữa năm 2019, Nhựa Hà Nội tăng vốn từ 65 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng thông qua việc trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%. Và đến tháng 9/2019, chúng tôi tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 344 tỷ đồng. Như vậy, có thể nói, nhờ M&A mà chúng tôi có được cơ chế tư nhân năng động, chưa đầy 9 tháng qui mô vốn của Nhựa Hà Nội tăng gấp 5,3 lần, giải bài toán về vốn nhanh cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 09/10/2019
05:04, 28/09/2019
14:20, 06/09/2018
- Theo ông, việc tăng qui mô vốn lên 344 tỷ có gây áp lực cho Nhựa Hà Nội khi vừa chuyển sang mô hình mới?
Hoàn toàn không có áp lực. Là doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi được cổ đông lớn hỗ trợ vốn, hỗ trợ về thị trường – điều mà nhiều doanh nghiệp mong muốn không dễ dàng có được.
Ngay từ giai đoạn đầu sản xuất linh kiện ô tô, xe máy được coi là chiến lược trọng tâm và cũng là thế mạnh của Nhựa Hà Nội nhưng chúng tôi cũng chỉ sản xuất được hai chi tiết cho Toyota, nhưng năm 2010 khi được đầu tư bằng vốn của cổ đông lớn, Nhựa Hà Nội đã hợp tác với Toyota làm thêm được 30 chi tiết linh kiện ô tô. Năm 2019, khi vốn tăng, chúng tôi lại làm thêm được 14 chi tiết. Theo đó, đơn đặt hàng dày lên, được Toyota đặt hàng làm thêm các chi tiết cánh cửa ô tô làm tăng tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm. Do vậy, áp lực chính ở đây là thêm đơn hàng - thêm công việc chứ không phải là áp lực vay nợ để tăng vốn.
- Vốn có rồi, cổ đông lớn lại sát cánh, vậy việc chuyển sàn niêm yết lên HOSE để hút thêm vốn của nhà đầu tư chiến lược, có cần thiết, thưa ông?
Việc đưa cổ phiếu NHH của Nhựa Hà Nội lên sàn HOSE với mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật, giúp mở rộng hoạt động công nghiệp phụ trợ và phát triển năng lực sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thân thiện môi trường.
Với chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa hiện nay chúng tôi đã hợp tác thành công với VinFast để thành lập Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast-An Phát (VAPA) chuyên sản xuất linh kiện nhựa ô tô xe máy.
Sự ra đời của VAPA sẽ tạo đà cho nhiều doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào mạng lưới cung cấp linh kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô tại VN, đặc biệt vấn đề nâng hàm lượng chất xám của người Việt Nam trong các sản phẩm công nghệ cao.
- Xin cảm ơn ông!