Áp thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư

MINH CHÂU 24/02/2023 13:02

Đây là phân tích của TS Cấn Văn Lực tại hội thảo "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".

>>Gấp rút nội luật hoá Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu để không bị "bỏ lại phía sau"

Theo đó, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống thuế, cụ thể là hệ thống thuế TNDN tiêu chuẩn của mỗi quốc gia.

Quốc gia có hiệu quả thu thuế thấp (có mức thuế suất thấp và nhiều chính sách ưu đãi khiến nguồn thu thuế thấp) sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Ngược lại, các quốc gia có thuế suất trung bình hoặc trên mức trung bình với một nguồn thu thuế lớn (mức ưu đãi thuế ít) sẽ ít bị ảnh hưởng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Đối với trong nước, khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại hội thảo khoa học

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại hội thảo khoa học "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".

Ở góc độ tích cực, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng; góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Hướng ngược lại, sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi; việc áp dụng các quy tắc Chống xói mòn cơ sở toàn cầu (GloBE) có thể làm phát sinh các chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế.

Ngoài ra các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng.

Do vậy, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thứ nhất, đây là thời điểm cấp bách vì vậy Bộ Tài chính/Tổ công tác đặc biệt cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Hai là, Bộ Tài chính/Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như phù hợp với quy định trong Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi Hiệp định có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2024).

Ba là, Bộ Tài chính cần có đánh giá ảnh hưởng của các quy tắc GloBE do mức độ ảnh hưởng lên các chính sách ưu đãi là khác nhau đối với từng quốc gia, tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư và chính sách ưu đãi cụ thể, việc đánh giá chi tiết và cụ thể đối với từng quốc gia là rất cần thiết để xây dựng lộ trình cải cách phù hợp.

Bốn là, Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh; thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam

    05:00, 12/06/2022

  • 24/2: Hội thảo khoa học về Thuế tối thiểu toàn cầu

    11:08, 20/02/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đánh thuế tài sản phải phân định và có cơ chế rõ ràng

    05:00, 23/02/2023

  • Sửa đổi Luật Thuế TTĐB: Điều tiết các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường

    13:33, 23/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO